"Kim chỉ nam" xây dựng thành phố học tập

- Thứ Ba, 19/01/2021, 18:18 - Chia sẻ
Chiều 19.1, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực đã tổ chức phiên họp chủ đề "Xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2021 - 2030", với sự tham gia của các ủy viên hội đồng, đại diện cơ quan trung ương, UBND một số tỉnh/thành phố, sở ban ngành và các chuyên gia liên quan. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì Phiên họp

Việt Nam đã tiếp cận trào lưu xây dựng thành phố học tập trên thế giới từ năm 2013, 2014, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tiến hành 4 cuộc hội thảo khoa học với tiêu đề “Xây dựng xã hội học tập - từ tầm nhìn đến hành động” ở Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ) và TP Hồ Chí Minh. 

Sau khi Ban Bí thư ban hành Kết luận 49-KL/TW, số thành phố có văn bản đăng ký với UNESCO đã lên tới 10 đơn vị. Tháng 9.2019, Việt Nam có 2 thành phố lọt vào danh sách “Thành phố học tập toàn cầu”, đó là Vinh (Nghệ An) và Sa Đéc (Đồng Tháp). Trong đợt kết nạp 2 thành phố của Việt Nam vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, có tất cả 54 thành phố của 27 quốc gia đã đủ điều kiện, nâng tổng số thành phố học tập toàn cầu lên con số 229 ở 64 quốc gia. UNESCO đánh giá: “Những thành phố này đã chứng tỏ rằng việc thực hành và các chính sách học tập suốt đời hiệu quả có thể hỗ trợ phát triển các thành phố mang tính bao hàm, an toàn, có sức bật và bền vững”.

Đại biểu góp ý về việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công nhận thành phố học tập

Tại phiên họp, các đại biểu đặt ra các vấn đề về xây dựng thành phố học tập, thảo luận các tiêu chí đánh giá công nhận thành phố học tập cũng như mở ra hướng tích cực tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu mà UNESCO chủ trì. Trong đó, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá công nhận thành phố học tập được nhận định là rất cần thiết. Đó vừa là "kim chỉ nam" vừa là động lực để các thành phố phấn đấu trở thành thành phố học tập.

Những năm gần đây, nhiều quốc gia đã xúc tiến các giải pháp để thực hiện chủ trương thúc đẩy học tập suốt đời trong Nhân dân, đồng thời họ hướng đến xây dựng “Cộng đồng học tập”, “Vùng học tập” hoặc “Thành phố học tập”. Song nếu nhất quán theo tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế, cụ thể là UNESCO đưa ra, thì sẽ rất khó cho quá trình xây dựng thành phố học tập ở Việt Nam do bối cảnh, nguồn lực có nhiều khác biệt. Một số ý kiến gợi mở xây dựng thành phố học tập ở Việt Nam cần linh hoạt và mềm dẻo, trước mắt có thể xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, dần tiến tới tiệm cận quốc tế... 

Thái Minh