Kinh tế 2024 - Động lực từ thể chế

- Thứ Ba, 06/02/2024, 17:11 - Chia sẻ

Trong cuộc trò chuyện đầu Xuân với Đại biểu Nhân dân, PGS. TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng; TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam và TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khẳng định: chất lượng thể chế được cải thiện đã góp phần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế và đây sẽ là nền tảng để Việt Nam tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tới.

Sức chống chịu của nền kinh tế cải thiện rất nhiều

- Theo các chuyên gia, đâu là những kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2023?

PGS. TS. TRẦN VIỆT DŨNG: Nhìn lại chặng đường đã qua với những thành tựu đã đạt được, có thể khẳng định Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. 

Cụ thể, GDP 2023 tăng 5,05% - dù thấp hơn mục tiêu nhưng đây là mức tăng trưởng khá, cao hơn tăng trưởng bình quân của thế giới và của khu vực ASEAN. Lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân tăng khoảng 3,25%, thấp hơn mục tiêu đề ra. 

Thu hút vốn FDI tăng trưởng mạnh, vốn giải ngân lập kỷ lục. Tổng vốn FDI đăng ký tăng 32,1% so với năm 2022, chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới tăng mạnh với nhiều dự án quy mô lớn từ Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc… Giải ngân vốn FDI đạt 23,2 tỷ USD, là mức kỷ lục mới trong vòng 7 năm, tăng 3,5% so với năm 2022.

Đầu tư công tăng trưởng khá với mức giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đạt 625,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm trước và đạt 85,3% kế hoạch năm. Lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, tỷ giá ổn định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, diễn ra sôi động với hàng loạt chuyến thăm cấp cao và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nâng tầm và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với Trung Quốc… cũng góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thời gian tới.

TS. LÊ DUY BÌNH: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 5% của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực đang gặp nhiều khó khăn bản thân nó đã là một điểm nổi bật. Nó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế đã được cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây. Chất lượng thể chế được cải thiện đã góp phần cải thiện khả năng chống chịu này và là nền tảng để nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức đáng khích lệ.

Sự ổn định kinh tế vĩ mô, một điểm sáng quan trọng mà nền kinh tế đạt được, có phần đóng góp quan trọng của chất lượng các quy định, chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại và việc điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đối với các chính sách này trong thực tiễn.  

Sự gia tăng về đầu tư tư nhân, kết quả đặc biệt đáng khích lệ trong thu hút nguồn vốn FDI trong năm cũng nhờ những cải cách các quy định về đầu tư, gia nhập thị trường, điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật mà các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực thực hiện.

Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đạt mức kỷ lục về số tuyệt đối so với nhiều năm trở lại đây, trở thành một động lực quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng cũng nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả trong công tác thực thi các quy định pháp luật về đầu tư công hay tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong quá trình triển khai.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: Năm 2023, kinh tế Việt Nam chứng tỏ sức chịu đựng, sức phát triển tương đối tốt so với các nước trên thế giới. Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng, kiểm soát tốt lạm phát, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.

GDP đạt 5,05% - thuộc vào nhóm quốc gia có tăng trưởng cao của thế giới. Nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD - cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Năm nay chúng ta tiếp tục phát triển xuất nhập khẩu khi cán đích 681 tỷ USD, đây cũng là một minh chứng cho sự phát triển của khu vực ngoại thương nước ta.

Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng đạt 8.300 USD/người; tăng 274 USD so với năm 2022. Chúng ta cũng kiểm soát được lạm phát, CPI tăng 3,25% trong khi mục tiêu không quá 4,5%. Điều này thể hiện sự phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và tạo ra nền kinh tế đủ bản lĩnh vượt qua những cơn gió ngược.  

Nền tảng thể chế đóng góp lớn cho tăng trưởng

- Nền tảng thể chế đóng góp như thế nào vào thành quả đó, thưa các chuyên gia?

TS. LÊ DUY BÌNH: Như đã đề cập, đóng góp của nền tảng thể chế cho tăng trưởng trong năm nay được nhìn thấy rất rõ nét qua sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn mà nền kinh tế gặp phải với các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt. Ví dụ các nghị quyết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, ban hành các quy định pháp luật nhằm nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế; đồng thời thực hiện hiệu quả công tác giám sát, bảo đảm các chính sách về tài chính, tiền tệ, ngân sách, đầu tư, thương mại, lao động, xã hội được thực hiện hiệu quả, đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Điều này cho thấy nền tảng thể chế được cải thiện đã nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế và là cơ sở quan trọng để nền kinh tế vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh hết sức khó khăn và nhiều thách thức như trong năm 2023. Nó cũng nhấn mạnh yêu cầu về tiếp tục cải cách thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn về quy định pháp luật, nâng cao chất lượng thực thi quy định của các cơ quan quản lý, chất lượng hoạt động của các cơ quan công quyền để thể chế tiếp tục là nền tảng quan trọng, hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. 

PGS. TS. TRẦN VIỆT DŨNG: Năm 2023 và trong Kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024, Quốc hội đã cho ý kiến vào gần 20 dự thảo luật; thông qua 19 luật 16 nghị quyết. Trong đó có một số luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi) Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử… Cùng với đó là các nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; về áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024…

Chính phủ cũng đã ban hành 86 Nghị định, Thủ tướng ban hành 29 quyết định quy phạm. Một số Nghị quyết nổi bật có thể kể đến như Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025...

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh...

Có thể nói rằng một trong những điểm sáng của năm 2023 chính là nền tảng thể chế ngày càng được củng cố, điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: Như TS. Lê Duy Bình và TS. Trần Việt Dũng vừa phân tích, tôi cũng cho rằng năm 2023, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng. Chính phủ và Quốc hội đã cùng chia sẻ, đồng hành, phối hợp chặt chẽ với nhau. Từ đó có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã góp phần ổn định thị trường, giúp kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển.

Chúng ta có thể lạc quan trong năm nay

- Năm 2024, kinh tế trong nước dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, cách nào để vượt qua những thách thức này?

PGS. TS. TRẦN VIỆT DŨNG: Rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn sẽ hiện diện và khó đoán định trong năm 2024, có thể gây ra tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Như hệ lụy dai dẳng của đại dịch Covid-19, lạm phát tại một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức cao; nợ công gia tăng, tăng trưởng thương mại toàn cầu chưa thể thoát khỏi trạng thái trì trệ dưới tác động của những cuộc căng thẳng địa chính trị, áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, lãi suất tăng cao ở nhiều quốc gia…

Ở trong nước, động lực tăng trưởng truyền thống nhìn chung còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều thách thức.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi, bứt phá nếu các chính sách hỗ trợ được thông qua sớm vào đầu năm nhằm tạo nên những "cú huých" mới cho nền kinh tế. Các động lực về đầu tư (gồm đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu cũng rất cần được thúc đẩy thông qua những chiến lược, chính sách mới giàu tính đột phá đặt trong bối cảnh thị trường toàn cầu chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Những vấn đề còn tồn đọng, bất cập kéo dài cũng cần được sớm tập trung tháo gỡ để hướng tới những chuyển biến tích cực trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Năm 2024 cũng sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống thứ 60 của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ đẩy mạnh hơn chi tiêu, tạo nhiều triển vọng cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.

Để hóa giải khó khăn, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, duy trì lãi suất ở mức vừa phải, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và kiểm soát tốt thị trường vàng. Đối với chính sách tài khóa, mở rộng đầu tư công theo hướng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục thực hiện các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí với các lĩnh vực trọng tâm. Cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục về thuế, tránh làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác như thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất ưu tiên, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường xúc tiến thương mại.

TS. LÊ DUY BÌNH: Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu để giúp nền kinh tế có vị thế chủ động, vững vàng vượt qua các thách thức. Trên nền tảng đó, các chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ được thực hiện một cách chủ động và linh hoạt để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các nỗ lực quyết liệt, mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi, chi phí thấp sẽ tiếp tục củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó góp phần gia tăng đầu tư tư nhân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp trực tiếp cho tổng cầu của nền kinh tế.

Nền kinh tế cũng cần có định hướng nhằm chuyển dịch lên vị trí có nấc thang giá trị cao hơn và từ đó khai thác được các thị trường sản phẩm, dịch vụ mới nhằm bù đắp cho sự phục hồi chậm chạp tại nhiều thị trường của các sản phẩm, dịch vụ truyền thống. Sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu đang mang lại cơ hội này và các doanh nghiệp của chúng ta cần được hỗ trợ, khuyến khích để nắm lấy các cơ hội này.

Đồng thời, cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của các yếu tố nhằm nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, đó là đẩy mạnh khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trong nước hay phát huy tiềm năng của một thị trường với hơn 100 triệu người tiêu dùng.

Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư, cần khai thác mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và đẩy mạnh chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa trên các yếu tố đầu vào sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, đổi mới, sáng tạo. Những động lực tăng trưởng mới này là những ngôi sao hy vọng để Việt Nam vượt qua được những thách thức trong năm 2024 và trong rất nhiều năm tới đây.

Cải cách thể chế để mở ra không gian tăng trưởng mới

- Ở khía cạnh hoàn thiện thể chế, theo các chuyên gia, làm thế nào để phát huy hơn nữa động lực quan trọng này cho tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn?

TS. LÊ DUY BÌNH: Hoàn thiện thể chế, chúng ta có thể hiểu đơn giản là nâng cao chất lượng của các quy định pháp luật, chất lượng của các cơ quan xây dựng pháp luật, cơ quan quản lý, điều hành và thực thi, các cơ quan giám sát thực thi pháp luật, và hiệu quả của quá trình thực thi các quy định pháp luật của các cơ quan này.

Từ góc nhìn này, rõ ràng các quy định pháp luật và chất lượng thực thi pháp luật có tác động trực tiếp tới các động lực tăng trưởng như đầu tư, xuất nhập khẩu, tiêu dùng cần được cải thiện hơn nữa. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách chi phí tuân thủ pháp luật trong các lĩnh vực như kinh doanh có điều kiện, đầu tư, xây dựng, đất đai, kiểm tra chuyên ngành và trong rất nhiều lĩnh vực khác cần được cải thiện mạnh mẽ hơn để tháo gỡ các điểm nghẽn, giảm bớt các lực cản để các động lực tăng trưởng truyền thống này sẽ vận hành trơn tru, mạnh mẽ.

Nhưng quan trọng hơn nữa là cần có các cải cách để thực sự phát huy được tiềm năng của các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh hay đổi mới sáng tạo. Để phát huy được các tiềm năng này cũng đòi hỏi có những đột phá về quy định pháp luật và sự đổi mới tư duy của các cơ quan xây dựng pháp luật, cơ quan quản lý và thực thi, và giám sát thực thi pháp luật, từ đó tạo ra các dư địa và không gian mới, rộng mở cho tăng trưởng.

Kinh tế số hay đổi mới sáng tạo đòi hỏi rất nhiều cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo khoảng không cho doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp nói chung thử nghiệm các ý tưởng, công nghệ hay mô hình kinh doanh mới, chưa có tiền lệ. Yêu cầu về cải cách thể chế do vậy cũng ở mức cao hơn, với cách tư duy và cách làm mới hơn so với trước đây.

Do phải thực hiện những ý tưởng, công nghệ hay mô hình kinh doanh mới, chưa có tiền lệ nên nền tảng thể chế do vậy cần tạo ra được sự yên tâm cho các doanh nghiệp thực hiện các thử nghiệm này nhằm mang lại những đột phá về sản phẩm, công nghệ hay thị trường.

Cải cách thể chế trong giai đoạn tới do vậy ngoài việc tháo gỡ các điểm nghẽn để phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống còn cần được tập trung nhằm thực sự phát huy mạnh mẽ nữa tiềm năng của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lực đổi mới, sáng tạo, đồng thời mở ra các không gian tăng trưởng mới trong ngắn hạn và dài hạn. 

PGS.TS TRẦN VIỆT DŨNG: Thể chế tốt sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế thông qua khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút các dòng vốn quốc tế và cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế sẽ là một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, cải cách thể chế cần hướng tới 5 mũi nhọn: giảm tham nhũng, tăng trách nhiệm giải trình, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm ổn định của hệ thống chính trị và cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh số hóa nhằm tăng chất lượng dịch vụ công.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: Tôi rất đồng tình với ý kiến của hai chuyên gia. Năm 2024, nền tảng quan trọng nhất chính là thể chế, thể chế phải đồng hành cùng doanh nghiệp thì mới thúc đẩy được sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Tôi cũng cho rằng, động lực tăng trưởng năm 2024 tiếp tục là xuất khẩu, nông nghiệp. Bên cạnh đó phải chú trọng, quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, tăng trưởng xanh. Chúng ta cũng phải quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia rất cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Trong năm nay, tập trung cải tổ hệ thống ngân hàng là vấn đề hết sức quan trọng, bởi ngân hàng là bộ tuần hoàn của cả nền kinh tế, nếu bị ách tắc thì sẽ bị ảnh hưởng lớn.

- Xin cảm ơn các chuyên gia!

Hạnh Nhung - Quang Khánh thực hiện
#