Doanh nghiệp tại ĐBSCL khốn khó vì thiếu môi trường kinh doanh

- Thứ Sáu, 29/03/2024, 12:20 - Chia sẻ

Theo thống kê của VCCI chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trên 90% doanh nghiệp thành lập mới trong vùng không tồn tại được qua năm đầu tiên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới đời của người lao động nơi đây.

Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của vùng ĐBSCL đang cao nhất cả nước. Người dân chỉ có thể xuất khẩu lao động hoặc đi làm việc ở các thành phố lớn vì cơ hội tìm việc ổn định tại quê hương là rất hạn hẹp.

Doanh nghiệp "chết yểu" vì thiếu môi trường kinh doanh

Tại buổi họp mặt doanh nghiệp hội viên diễn ra ở Cần Thơ, chiều 28.3, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khu vực ĐBSCL đã chia sẻ, doanh nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long thiếu và yếu! Mỗi năm có trên 10.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng trên 90% số đó... “chết yểu”.

Tại buổi họp, ông Lam nêu một vài con số tích cực về nền kinh tế của vùng như tỷ lệ tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi. Năm 2023 miền Tây trở thành khu vực có sức cầu thương mại vượt trội so với phát triển kinh tế, chỉ sau Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, năm vừa qua, thặng dư xuất nhập khẩu của miền Tây đạt 13 tỷ USD, cao nhất cả nước. Dù vậy, theo ông Lam, trong 1 thập niên qua, cơ cấu kinh tế của vùng hầu như không thay đổi. Nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, với tỷ lệ 30%.

Trong giai đoạn từ năm 2017-2022, đầu tư cho miền Tây liên tục giảm tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư cả nước, từ 18,7% xuống còn 14,9%.

Cũng theo ông Lam, cả nước có bình quân 9 doanh nghiệp/1.000 dân. Tuy nhiên, con số này ở miền Tây chỉ là 3 doanh nghiệp. Năm 2023, cả vùng ĐBSCL chỉ có chưa đến 900 doanh nghiệp mới thành lập tồn tại được, trong đó toàn doanh nghiệp nhỏ. Miền Tây cũng là vùng trũng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2023, cả khu vực chỉ có 139 dự án FDI đăng ký mới với tổng vốn 741 triệu USD. Trong số này có 118 dự án đầu tư vào Long An, với số vốn hơn 600 triệu USD.

"Tổng số vốn và dự án FDI đầu tư vào ĐBSCL trong năm 2023 chỉ bằng 1/4 tỉnh Quảng Ninh", ông Lam so sánh. Nghiên cứu của VCCI, Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright chỉ ra, thiếu hấp dẫn đầu tư, thiếu cơ hội việc làm là nguyên nhân dẫn đến thiếu cơ hội kinh tế ở miền Tây.

Tỷ lệ thất nghiệp cao do doanh nghiệp thiếu tính bền vững -0
Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng trũng trong thu hút đầu tư (ITN)

Đây là điểm mở đầu cho hàng loạt “vòng xoáy đi xuống” của đất Chín Rồng, gián tiếp dẫn đến tỷ lệ hoàn thành giáo dục thấp, thiếu hụt vốn đầu tư phát triển hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ gia tăng dân số ở miền Tây cũng thấp, thậm chí có năm ở mức âm do người dân di cư sang các vùng khác để kiếm việc làm, gây nhiều hệ lụy về an sinh.

Đáng chú ý, những yếu tố này không mới, đã được nhiều nghiên cứu, nhiều chuyên gia chỉ ra như điểm yếu cốt tử của miền Tây. Ví dụ, chi phí logistics cao do thiếu hụt những hạ tầng quan trọng phục vụ cho kinh tế miền Tây, từ đường xá giao thông, cảng biển cho đến hệ thống kho lạnh để lưu trữ nông sản.

Điểm yếu cố hữu chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp miền Tây càng thêm khốn đốn trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động đa chiều. Đứt gãy chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp mất đơn hàng, giảm doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải dừng luân phiên, hoạt động cầm chừng và như đã nói ở trên, không ít đã phải lựa chọn rời khỏi thị trường.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước

Cùng với những thông tin ảm đạm về sức khỏe doanh nghiệp và thu hút đầu tư, ông Lam cho biết, năm vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở miền Tây cao nhất cả nước. Cụ thể, cả nước có 2,35% lao động thất nghiệp, trong khi đó con số này ở miền Tây là 2,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong khu vực cũng thấp nhất cả nước, chỉ đạt 14,5%.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, năm vừa qua ở miền Tây có khoảng 46% doanh nghiệp cho biết doanh thu, lợi nhuận và lao động tăng. Gần 29% doanh nghiệp trong vùng cho biết gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, trong đó có khoảng 20% doanh nghiệp gặp khó ở thị trường quốc tế.

Vốn vay, lao động, các hoạt động thuế, thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước cũng là những khó khăn mà doanh nghiệp trong vùng phải đối mặt.

Về triển vọng phát triển kinh tế năm 2024, ông Lam cho biết, doanh nghiệp ở ĐBSCL vẫn khá lạc quan, tin rằng sẽ khởi sắc. "75,8% doanh nghiệp cho rằng doanh thu sẽ tăng và 74,1% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận tăng", ông Lam chia sẻ.

Để đạt được những mục tiêu này, doanh nghiệp miền Tây kỳ vọng nhận được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, kết nối nguồn vốn, tư vấn pháp luật về kinh doanh. Ông Lam cho biết, những đề nghị của doanh nghiệp là cơ sở để VCCI thiết kế những giải pháp đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.

Mặt khác, về dài hạn, để đảm bảo phát huy tiểm năng miền Tây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cho khu vực này cần tiếp tục được đẩy mạnh, bên cạnh các giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng thuận thiên như tinh thần của Nghị quyết 120 và quy hoạch tổng thể vùng.

Tùng Dương
#