Nghị quyết số 61/2022/QH15 giúp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

- Thứ Năm, 12/10/2023, 11:24 - Chia sẻ

Trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15, mới có 7/110 quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh được quyết định và phê duyệt, thì đến 27.9.2023 con số này đã tăng lên 85/110 quy hoạch.

77% quy hoạch đã được quyết định, phê duyệt và thẩm định

Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo Tình hình triển khai công tác quy hoạch và kết quả thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16.6.2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 (Nghị quyết số 61).

Theo báo cáo của Chính phủ, kể từ khi Nghị quyết số 61 được ban hành, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 đã được đẩy nhanh và thu được những kết quả đáng kể.

Nhìn chung, chất lượng công tác quy hoạch đã được nâng cao, từng bước phát huy kết quả tích cực trên thực tiễn và tạo ra các cơ hội phát triển mới, không gian phát triển mới và giá trị mới cho quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch. Các quy hoạch bám sát Chiến lược phát triển đất nước 2021 – 2030, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; thể hiện rõ khát vọng phát triển và tính sáng tạo, đổi mới, chú trọng tính liên kết vùng, liên kết ngành, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Nếu như trước khi ban hành Nghị quyết số 61, mới có 7/110 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quyết định và phê duyệt, thì tính đến 27.9.2023, đã có 85/110 quy hoạch đã được quyết định, phê duyệt và thẩm định xong, đang hoàn thiện để trình phê duyệt, đạt 77,3%.

Nghị quyết số 61/2022/QH15 giúp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch -0
Ảnh minh họa ITN

Còn 4 quy hoạch tỉnh chưa trình thẩm định

Về các kết quả cụ thể, Chính phủ cho biết, đối với quy hoạch cấp Quốc gia, Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Nghị quyết số 81/2023/QH15. Đối với quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai lập quy hoạch, hiện đang chuẩn bị thẩm định và trình Quốc hội thông qua, dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới đây.

Đối với quy hoạch ngành quốc gia, tính đến 29.9.2023, có 9 quy hoạch áp dụng hình thức chỉ định thấu để lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, gồm Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch hệ thống đi thị và nông thôn; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Có 2 quy hoạch thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo là Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nhưng không chọn được đơn vị tư vấn đáp ứng điều kiện về năng lực. Mặc dù vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chủ động triển khai thực hiện xây dựng các nội dung của báo cáo quy hoạch để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Có 16/39 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Các quy hoạch được phê duyệt đều đã thực hiện công bố nội dung trên trang thông tin điện tử và tổ chức các hội nghị công bố theo quy định của Luật Quy hoạch. Ngoài ra, đã có 3 quy hoạch trình phê duyệt; 8 quy hoạch đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt.

Đối với quy hoạch vùng, hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với 5 quy hoạch vùng còn lại, tính đến 18.8.2023 đều đã hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng, dự kiến trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong tháng 12.2023.

Đối với quy hoạch tỉnh, tính đến 27.9,2023, đã có 13/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Đối với 49 quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, có 5 quy hoạch đã trình phê duyệt, 35 quy hoạch đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt, 5 quy hoạch đã trình thẩm định và đang trong giai đoạn lấy ý kiến thẩm định của thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tính. Còn 4 quy hoạch tỉnh chưa trình thẩm định là quy hoạch Thủ đô Hà Nội, quy hoạch TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch tỉnh Bình Dương và quy hoạch tỉnh Đồng Nai.

“Như vậy, với việc thực hiện các giải pháp cấp bách tại Nghị quyết số 61 và áp dụng quy định mới tại Nghị định số 58/2023/NĐ-CP, tiến độ lập quy hoạch tỉnh đã được đẩy nhanh đáng kể. Đa số quy hoạch tỉnh hoàn thành việc lập quy hoạch. Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh đã được rút ngắn thời gian thông qua việc đơn giản hóa các trình tự, thủ tục”, theo đánh giá của Chính phủ.

Đ. Thanh
#