Phiên họp thứ Ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Kịp thời phát hiện và khắc phục những văn bản có nội dung chưa phù hợp

- Thứ Hai, 13/09/2021, 16:37 - Chia sẻ
Chiều 13.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Ảnh: Hồ Long

Vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29.11.2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành, bảo đảm gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách hành chính.

Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Ảnh: Hồ Long

Công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác phối hợp trong xây dựng văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh trong một số lĩnh vực đôi khi thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết đã đạt những kết quả tích cực. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, công tác tổ chức thực thi pháp luật ngày càng được coi trọng. Về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các Bộ, ngành, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả; Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về tên gọi, phạm vi và bố cục của Báo cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phần tên gọi của Báo cáo chưa thể hiện đúng yêu cầu báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân) mà mới chỉ nêu yêu cầu báo cáo tình hình thi hành Hiến pháp. Đối với các yêu cầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 67, Báo cáo cũng không phân tích, đánh giá theo các yêu cầu trong Nghị quyết mà lồng ghép trong các nội dung báo cáo chung. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo cần phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết hàng năm theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, đồng thời có những đánh giá đi vào chiều sâu theo yêu cầu của Nghị quyết số 67.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo của Chính phủ về hạn chế, bất cập, đồng thời nhấn mạnh thêm một số điểm như: công tác xây dựng pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp còn chưa đạt kết quả như đã đề ra; việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thống nhất, nhất là liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 ở một số địa phương; việc tuân thủ pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm. Việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực pháp luật chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Tình trạng pháp luật không được thực thi nghiêm túc còn xảy ra ở một số lĩnh vực như quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công...

Còn có sự chưa thống nhất trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước ngày luật có hiệu lực để điều chỉnh các nội dung mà luật giao quy định chi tiết (có cơ quan ban hành văn bản mới thay thế văn bản hiện hành sau khi luật có hiệu lực, nhưng có cơ quan vẫn áp dụng văn bản đã ban hành trước, vì cho rằng nội dung vẫn còn phù hợp, đã thực hiện ổn định); trong một số văn bản quy định chi tiết, cách diễn giải quy định tại một số nội dung chưa có sự thống nhất với cách hiểu quy định của luật, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc bố trí về nguồn lực con người, kinh phí cho công tác xây dựng và thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật chưa thật sự hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Ảnh: Hồ Long

Kiểm soát chặt việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, kịp thời hơn

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ trong thực hiện công tác thi hành luật, pháp lệnh trong năm qua đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc tổ chức thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giám sát việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, kịp thời hơn; quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản nhằm kịp thời phát hiện và sớm có biện pháp khắc phục đối với những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có nội dung chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Về bố cục của báo cáo, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, Ủy ban Pháp luật bàn với Bộ Tư pháp để thống nhất về đề cương và cách trình bày của báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra nhằm bảo đảm tính thống nhất. Đối với những vấn đề lớn chưa thống nhất được cần báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công việc này còn tiến hành lâu dài nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng với Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp, Tổng Thư ký Quốc hội bàn với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao rà soát lại việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 67; có kiến nghị về cách làm hợp lý cho những năm tới.

Thanh Chi