Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020:

Kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn

- Chủ Nhật, 30/05/2021, 07:57 - Chia sẻ
Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, trong đó có việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, định mức hiện hành liên quan đến tài chính, tài sản công. Tuy vậy, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn để tháo gỡ cho được những vướng mắc, khó khăn, những điểm nghẽn trong phát triển hiện nay.

Triệt để tiết kiệm ngân sách

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 tại phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, trong công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó có phương án điều hành ngân sách nhà nước phù hợp tình hình thực tế; chỉ đạo các địa phương triệt để thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước để vừa chủ động nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, vừa bảo đảm cân đối ngân sách các cấp ở địa phương. 

Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1 nghìn tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6,4 nghìn  tỷ đồng); siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí ngân sách nhà nước phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. 

Việc triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2020; đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế, xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Ngân sách nhà nước đã chi trên 18,1 nghìn tỷ đồng theo các nghị quyết của Chính phủ cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19. Ngân sách trung ương sử dụng nguồn dự phòng trên 4,6 nghìn tỷ đồng chi khắc phục hậu quả lũ lụt, dịch tả lợn châu Phi và khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Các địa phương đã sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn lực tại chỗ chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ đời sống Nhân dân.

Từ tháng 8.2020, Bộ Tài chính đưa vào vận hành Cổng thông tin công khai ngân sách nhà nước, góp phần cải thiện tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình trong phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công và giám sát quá trình thực hiện công khai ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Trong năm 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 15 luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh và cho ý kiến đối với nhiều dự án luật khác; Chính phủ ban hành 157 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 39 quyết định quy phạm pháp luật (QPPL); các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 370 thông tư, 3 thông tư liên tịch theo thẩm quyền. Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam được bổ sung, mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người, môi trường. Đến năm 2020 có khoảng 11.500 tiêu chuẩn Việt Nam với tỷ lệ hài hòa khoảng 60%.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt kết quả thực hành tiết kiệm tốt nhất cả nước năm 2020     

Nguồn: TTXVN 

Xử lý nghiêm các vi phạm tiêu chuẩn, định mức 

Những kết quả tích cực trong quản lý ngân sách nhà nước ở nhiều đơn vị, cơ quan và công tác xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được Ủy ban Tài chính - Ngân sách ghi nhận trong báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, Chính phủ đã rà soát, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là các quy định tiết giảm chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát hiện, xử lý kịp thời các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là các quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh. Các định mức, tiêu chuẩn liên quan đến tài chính công, tài sản công tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng Chính phủ điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển hệ thống thương mại điện tử… tiếp tục được đẩy mạnh triển khai để cải cách hành chính, cải thiện năng lực cạnh tranh, từ đó đã tiết kiệm được nhiều chi phí và giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp... 

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ rõ, tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra; việc xử lý vi phạm tuy có tăng so với năm 2019 nhưng chưa phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra. Qua theo dõi tình hình thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ diễn ra khá nhiều năm nay, hiện nay vẫn còn khá phổ biến, trong nhiều trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý hình sự. Ngay trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 cũng cho thấy, đã phát hiện 394 vụ việc và 521 người vi phạm việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, tăng 38,5% về số vụ và 80,1% về số người vi phạm so với năm 2019, có 64 người bị xử lý hình sự".

Thực trạng vi phạm về định mức, tiêu chuẩn có nhiều nguyên nhân, trong đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, có nguyên nhân về ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức tại một số bộ, ngành, địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. "Chúng tôi đề nghị vẫn phải tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực này", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói. 

Cho ý kiến tại phiên họp thứ 56, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý tình trạng ban hành mới, sửa đổi, bổ sung một số định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong nhiều trường hợp còn chậm hoặc không phù hợp với thực tế. Đây cũng là một trong những yếu tố gây lãng phí nguồn lực. Vì vậy, song song với việc xử lý vi phạm về tiêu chuẩn, định mức, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị phải tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá dự toán, các dịch vụ công... hiện nay để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. "Chúng ta phải rà soát theo tinh thần phải tháo gỡ được vướng mắc, tháo gỡ được khó khăn, những điểm nghẽn cho phát triển", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 

Lê Bình