Kịp thời và cần thiết

- Thứ Hai, 23/08/2021, 06:38 - Chia sẻ
	Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch Nguồn: ITN
Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch
Nguồn: ITN

Dịch Covid-19 đã thổi bùng tinh thần "tương thân, tương ái" của cả dân tộc, đồng thời phản ánh rõ nét sự hy sinh của những nhân viên y tế. Trong cuộc chiến cam go với kẻ thù vô hình, những chiến sĩ áo trắng luôn là người "đi trước, về sau", họ đã tạm gác lại niềm vui lứa đôi, chấp nhận xa người thân và gia đình khi viết đơn tình nguyện xông pha ra tuyến đầu với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; có những cán bộ y tế không thể gặp được người thân lần cuối khi đang thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc; hay có không ít người mắc Covid-19, thậm chí đã ra đi khi đang làm nhiệm vụ. Bởi vậy, kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ, động viên, tôn vinh và ghi công xứng đáng với lực lượng tuyến đầu chống dịch là ưu tiên cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Khoảng 2.380 nhân viên y tế bị mắc Covid-19 trong khi làm việc, riêng tại TP. Hồ Chí Minh có trên dưới 900 người bị nhiễm bệnh và đã có trường hợp nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ là thông tin vừa được Công đoàn Y tế Việt Nam đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu”. Trong đợt dịch lần này, ngoài việc phải đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng nề về tâm lý khi bệnh nhân quá đông lại trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao… Khó khăn nhất là thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu vì đây là ngành đặc thù, nhiều người phải làm việc đến 200% sức lực. Trong số hàng nghìn nhân viên y tế nhiễm Covid-19, có những người sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục tình nguyện xin ở lại để điều trị cho bệnh nhân. Nhân viên y tế F0 chăm sóc cho F0 là sự hy sinh rất lớn của đội ngũ nhân viên y tế. 

Ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia của các lực lượng nơi tuyến đầu, Bộ Y tế đã kịp thời có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị y tế trên cả nước thực hiện đầy đủ chế độ chi cho cán bộ y tế tình nguyện viên đi hỗ trợ chống dịch theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8.2.2021 về chi phí cách ly y tế khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Công đoàn Y tế Việt Nam cũng kịp thời kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bảo đảm chế độ chính sách cho các y, bác sĩ, trong đó có đề nghị tiêm vaccine cho thân nhân cán bộ, nhân viên y tế. Những đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm và hỗ trợ kịp thời. 

Đơn cử như về dinh dưỡng, hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người cho cán bộ y tế; công đoàn y tế trích 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ đi tăng cường; triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu. Để giảm căng thẳng, giúp bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho nhân viên y tế, thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là 2 tháng/đoàn. Bên cạnh đó, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề nghị tất cả các tỉnh, thành lập trung tâm tư vấn tâm lý, đường dây nóng để hỗ trợ nhân viên y tế, giao cho các bệnh viện Trung ương là đầu mối để tham mưu...

Đặc biệt hơn, mới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ sớm ban hành chế độ, chính sách phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Mặc dù cho tới nay chưa có tiền lệ về việc công nhận danh hiệu liệt sĩ cho nhân viên y tế tham gia chống dịch, song, theo quy định tại Khoản 3, Điều 59 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, "trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét để công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng". Bên cạnh đó, Điểm k, Khoản 1, Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, cũng quy định điều kiện để được công nhận liệt sĩ. Trong đó, có các yếu tố như "đặc biệt dũng cảm cứu người", "là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa rộng rãi trong xã hội"...

Có thể nói, đây là một nội dung lớn liên quan đến người có công, do đó, cùng với việc căn cứ vào quy định pháp luật, xét đến lực lượng tương quan khác, ngành lao động, thương binh và xã hội cần nhanh chóng tiếp cận từng hồ sơ, từng trường hợp cán bộ y tế tham gia chống dịch không may tử vong khi làm nhiệm vụ, để kịp thời tôn vinh và ghi công xứng đáng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đỗ Quyên