Kịp thời và phù hợp

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 06:28 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố diễn ra sáng 19.2, lãnh đạo Bộ Y tế một lần nữa khẳng định, “cố gắng trong năm 2021 tất cả người Việt Nam sẽ được tiếp cận với vaccine để tái khởi động phát triển nền kinh tế”. Trước đó, trong phiên họp đầu tiên diễn ra sáng 18.2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII cơ bản đồng ý với Tờ trình của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19. Điều đó cho thấy, sự quyết liệt, chủ động từ chủ trương, chính sách tới thực tiễn hành động của toàn hệ thống chính trị nước ta.

Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19 trong nước đầu tiên, những vấn đề được quan tâm hàng đầu lúc bấy giờ không chỉ là cách ly, khoanh vùng, kịp thời điều trị mà câu chuyện về vaccine phòng Covid-19 đã được đề cập như một giải pháp không thể thiếu nhằm khống chế dịch bệnh. Nói như các chuyên gia y tế, dù đã có những hiểu biết nhất định về dịch Covid-19 cũng như về SARS-CoV-2, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều chưa thể lý giải rõ về căn bệnh cũng như loại virus này, do đó việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 là khó khăn, thách thức và cũng đầy mạo hiểm. Song, chỉ chưa đầy 1 năm, nước ta đã chủ động nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và đã thực hiện bước thử nghiệm trên người. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp vaccine trên thế giới còn khó khăn thì việc chủ động đầu tư phát triển vaccine phòng Covid-19 trong nước quả thực là một lựa chọn phù hợp.

Thế nhưng, ngay cả khi sản xuất vaccine phòng Covid-19 đạt yêu cầu về chất lượng thì với một quốc gia gần 100 triệu dân như Việt Nam, việc bảo đảm nhu cầu mọi người dân đều được tiêm vaccine là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Bởi thế, Thủ tướng Chính phủ không ít lần nhấn mạnh, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu trong tháng 2 phải có vaccine từ nguồn viện trợ và nguồn mua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất trong nước. 

Kịp thời thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các tổ chức để có vaccine cho Việt Nam. Số lượng dự kiến 4.886.400 liều vaccine tiếp nhận từ COVAX facility và 204.000 liều vaccine AstraZeneca nhập khẩu sẽ về Việt Nam, sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch đã cho thấy sự quyết liệt trong hành động của ngành y tế. Để tiếp cận được nguồn vaccine đó trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với diễn biến khó lường của dịch bệnh; cơ chế cấp phép trong tình huống khẩn cấp, hoàn thành mọi thủ tục chỉ trong vòng 5 ngày đã được thực hiện, song song với việc khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn vaccine nhập khẩu, phối hợp với Bộ Y tế để đưa vaccine về Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo tính toán trong năm 2021, Việt Nam phải có khoảng 150 triệu liều mới bảo đảm cho người dân, bởi thế với số lượng chỉ hơn 5 triệu liều trong đợt đầu tiên này, việc ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng nào cũng như chiến lược tiêm vaccine ra sao đang là câu hỏi lớn được đặt ra. Nhìn vào Israel - quốc gia đi đầu về tiêm chủng vaccine Covid-19, với khoảng 40% dân số Israel được tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên và 28% đã tiêm liều thứ hai; trong đó, nhóm người trên 60 tuổi, có hơn 80% đã tiêm vaccine cho thấy, sự phản ứng nhanh nhạy cùng chiến lược tiêm chủng phù hợp sẽ quyết định tới thành công của công cuộc đẩy lùi dịch bệnh. 

Theo đó, ngay từ khi có thông tin về vaccine, Israel đã nhanh chóng đặt hàng từ các hãng dược phẩm lớn trên thế giới để có nguồn vaccine sớm nhất đưa về nước. Nhờ thế, số ca mắc mới giảm mạnh, đặc biệt trong nhóm người hơn 60 tuổi, số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 ở người tiêm vaccine cũng giảm. Với những kết quả này, người dân Israel đang bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc sống “bình thường mới”, với các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng.

Tại Việt Nam, việc xây dựng chiến lược tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế; ưu tiên cho khu vực nào, đối tượng nào, nhằm bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch cần được nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Trong đó, ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm; người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vô cùng cần thiết, bởi họ chính là “tấm lá chắn” phòng hộ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu. 

Đỗ Quyên