Sinh tử phòng, chống “giặc nội xâm” và chủ nghĩa dân túy

Kỳ 1: Những “con ngựa thành Tơ roa” và chủ nghĩa dân túy mới

- Thứ Hai, 11/01/2021, 06:41 - Chia sẻ

Lời Tòa soạn: Sau 35 năm đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến khó lường. Đặc biệt, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng còn nghiêm trọng; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đặc biệt chủ nghĩa dân túy dưới nhiều hình thức đang gây tác hại không nhỏ đến lòng tin của nhân dân.Từ số báo này, Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài viết “Sinh tử phòng, chống “giặc nội xâm” và chủ nghĩa dân túy” của TS Nhị Lê.

Ngay từ năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Giặc nội xâm chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan liêu. Giặc nội xâm ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan đoàn thể. Giặc bên ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện; giặc ở bên trong, khó phát hiện, không dễ nhìn thấy. Vì, mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. 

Nhiều năm qua và nhất là hiện nay, kẻ thù đáng sợ nhất, khó chiến thắng nó nhất lại chính là những kẻ thù giấu mặt, những thứ “giặc nội xâm”. Những loại này nằm lẩn khuất trong đội ngũ, rình rập trong chính mỗi người, nếu chúng ta mất cảnh giác hoặc do dự, ngập ngừng hay dao động, thoái bộ. Nguy hiểm hơn là rất khó nhận biết chúng, vì chúng biến ảo khôn lường: Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa đầu hàng… được ngụy trang, trá hình dưới muôn vàn màu sắc, trong đủ thứ cái gọi là “nhân danh”, “dân chủ hóa”, “liên kết”, “hội nhập”… Chúng cực kỳ nguy hiểm. Vì, không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa. 

Từ “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ…” tới dùng tiền để “cuỗm” quyền lực chính trị, mua bán chức vụ, rồi dùng chính trị để “cướp” lấy quyền lực kinh tế, lại dùng kinh tế để chui sâu leo cao vào chính trường, rắp đoạt lấy quyền lực chính trị cao hơn, thì không nghi ngờ gì nữa, nó tác hại muôn dân, băm nhỏ lợi ích quốc gia, trộm cắp từng mảnh chính trị, kinh tế đất nước và lũng đoạn thể chế quốc gia. Mua quan bán tước, buôn bán quyền lực dẫn tới nạn hoặc nhỏ thì “anh hùng nhất khoảnh”, lớn thì “sứ quân”, “dòng họ cát cứ”, thậm chí không loại trừ cả sự ô nhục bán nước cầu vinh chỉ là bước “tự chuyển hóa” rất ngắn mà thôi!

 Có thể nói, lẩn khuất kể từ rất lâu rồi, nhưng bỗng trong mươi năm nay, chủ nghĩa dân túy lại đang trỗi dậy với những biến thể, những mảnh vụn chết người của nó pha trộn với chủ nghĩa thực dụng và cơ hội đang phát tác ở không ít nơi trên thế giới, thậm chí gây giông bão ở nhiều quốc gia, dân tộc. Và, ở nước ta, tất cả những thứ đó đang len lỏi, hiện diện dưới nhiều hình hài, ở mọi mức độ trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở đây, những kẻ nửa mùa quan túy và những người túy quan - nạn nhân của những mảnh vụn của chủ nghĩa dân túy, với những biến thể, đang phát tác dưới mọi hình thức, tác họa ở mọi mức độ.  

Trước hết, hiện hữu một bộ phận cán bộ, đảng viên đang khuếch trương bản thân, “đánh bóng” mình bằng cách đưa ra những lời nói mỵ dân, nói không đi đôi với làm và lợi dụng các phương tiện khác một cách công khai hay lén lút, sặc mùi cơ hội, thực dụng… nhằm đầu cơ chính trị, trục lợi chính trị. Ở đây, tạm gọi là căn bệnh tự nhiễm hoặc “theo đuôi dân túy”. 

Có thể gọi đây là những người nửa mùa quan túy (!).     

Họ tỏ ra rất giỏi thuật “đắc nhân tâm”, đánh hơi và đón bắt các lợi ích, để phân hóa và định đối sách với từng loại đối tượng: khi thì van xin, kích động phe này, xúi bẩy, gây chia rẽ cánh kia, tạo dựng mâu thuẫn giữa các phe nhóm; khi thì tỏ ra “cộng khổ”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, lôi kéo, mua chuộc, thậm chí cả dụ dỗ, đe dọa; lúc thì ve vãn giả tạo “mềm nắn rắn buông” hay cả khống chế, giăng bẫy đặt giàm, vu oan giá họa… Họ biến ảo thiên hình vạn dạng hơn con kỳ nhông, nhất là trước mỗi kỳ đại hội, mỗi cuộc bầu cử. Họ nhân danh đủ thứ, với những lời hứa ở phía chân trời và dẫn dụ được một bộ phận dư luận và công chúng theo những lối ma mỵ, mê hoặc.  Không khí nội bộ không ít nơi hóa ra âm âm u u, có thể rối tung lên vì những lời hứa hẹn hùng hồn, như có cánh, thậm chí cả thói nịnh… ngược, với những “lời thề gây bão” (nhưng kỳ thực theo kiểu “cá trê chui ống”) khiến cho không ít cá nhân bị mờ mắt, lầm lẫn, nhiều cơ quan, đơn vị rối ren, chia bè sẻ cánh, nghi kỵ lẫn nhau, vì những “lời cam kết” lợi ích của họ theo kiểu “bách nhân bách giọng”, “tay nải gió bay”, thậm chí cả “khẩu phật tâm xà”... Phỉnh phờ và lừa gạt là bản chất của những loại người này.

Nhưng, sau đó, khi thành sự, thì họ nuốt sạch lời hứa, “tham quyền bỏ ngãi”; lại nhất là lúc công việc đổ vỡ, họ lẩn tránh, “tẩu vi thượng sách”; “đánh bùn sang ao” đổ vấy lên trên, đổ thừa xuống dưới, phủi tay vô can, “của anh anh mang, của nàng nàng xách”, “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”, nuốt phăng mọi thứ, kể cả nhân cách hay liêm sỉ của họ. V.v và v.v.

Nói khái lược, những người này dùng những thủ đoạn chính trị mang tính chất mỵ dân, nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân bằng sự che đậy ý đồ của họ dưới các khẩu hiệu hấp dẫn, thậm chí cả trò “chém gió” làm mê muội dân chúng, bằng các tuyên bố, cả xảo thuật hùng biện “nhân danh lòng yêu nước”, trong cái gọi là, bảo vệ lợi ích kinh tế và xã hội của cái gọi  là quảng đại quần chúng mù mờ nào đó hay “nhân danh lòng dân” một cộng đồng xã hội nào đó… mưu cốt chiếm lấy quyền lực chính trị. Tiếng sấm thì to nhưng giời không mưa. Đó là mục tiêu thực sự và cốt lõi của họ.

Bên cạnh đó, nạn tha hóa, thoái hóa quyền lực, ăn trộm và buôn bán quyền lực dưới mọi hình thức và cấp độ làm xuất hiện những lợi ích nhóm, nhóm lợi ích trong các “liên minh ma quỷ”, có nguy cơ nảy nòi những “sứ quân”, gây chia rẽ giữa Đảng với Nhà nước và nhân dân. Có thể hình dung: từ việc dùng quyền hạn của mình để tác động không đúng, không phù hợp cho đến sự “ưu ái” đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích tới  việc quyết định chủ trương, chính sách, cấp phép, cấp vốn, quy hoạch, tư túng bổ nhiệm cán bộ… đều là hậu quả của sự tha hóa, thoái hóa quyền lực. Đặc biệt, sự tha hóa, thoái hóa quyền lực vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ ngang - dọc, trên - dưới, trong - ngoài… bằng những “luật ngầm” đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Thực tế đang cho thấy, các vụ việc tha hóa, thoái hóa quyền lực đều nhằm trục lợi - tức là tham nhũng dưới mọi thủ đoạn, hình thức và mức độ, từ tham nhũng chính trị tới tham nhũng chính sách, nên chúng cấu kết rất tinh vi, chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, lợi dụng các khoảng trống, thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, thậm chí bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bất chấp luân thường đạo lý. Đáng chú ý là, những vụ việc tha hóa, thoái hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là của cán bộ lãnh đạo, quản lý biểu hiện rất đa dạng, tinh vi và thường xoay chung quanh một số cá nhân “trung tâm” hoặc “liên minh” đa trung tâm, liên kết vùng, thậm chí cả ở ngoài nước. Mặt khác, thực tiễn đang cho thấy, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa, thoái hóa quyền lực thường rất khó khăn, phức tạp, vì nó gắn với người có chức vụ, có quyền hạn nên có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng, có không ít trường hợp được bao che, thậm chí phản kích quyết liệt lại lực lượng kiểm tra, giám sát và các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật. 

Nó đã và đang làm rối loạn, thậm chí phá vỡ những ranh giới giữa khuôn khổ quyền hạn được giao với sự năng động, sáng tạo vốn rất mong manh nhưng rất đa dạng, phong phú… dẫn tới sự rối loạn hệ giá trị trong đánh giá, thẩm định, vượt ngoài khuôn khổ cho phép và làm rối loạn kỷ cương, kỷ luật. Tình trạng phức tạp này nếu bị chi phối bởi cách nhìn thiển cận, phiến diện rất dễ dẫn tình trạng thật giả lẫn lộn, phải trái bất minh định, có thể dẫn tới “chụp mũ” cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hoặc bị quy kết là lạm quyền, lộng quyền hoặc cố ý làm trái, dẫn đến làm thui chột động lực phát triển. Đây là điều hết sức nguy hiểm.             

Tha hóa, thoái hóa quyền lực rất dễ tới nạn trộm cắp, buôn bán quyền lực, thậm chí lạm quyền, lộng quyền và thoán đoạt quyền lực. Nói gọn lại là, từ sở hữu quyền lực tới trộm cắp chức vụ hay đạo vị, buôn bán quyền lực là một bước chuyển hóa rất ngắn, chỉ trong gang tấc và hiểm họa khôn lường. Nhớ lại tháng 6.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm)”. “Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm, là tham vật úy lạo. Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh là tham sinh úy tử”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi các loại cán bộ “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên”, “cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư...” đều là BẤT LIÊM “mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”.   

Từ trộm cắp chức vụ tới buôn quan, bán tước, thoán đoạt quyền lực chỉ là một vệt trượt ngắn, rất ngắn nhưng hiểm họa chết người!  Lại nhớ ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại”.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản