Hoạt động lấn biển - thực trạng và "khoảng trống" pháp lý

Kỳ 1: Tiềm năng phát triển đô thị biển

- Thứ Hai, 02/08/2021, 06:10 - Chia sẻ

Ngày 19.7. 2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 193/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển. Do chưa có những quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh hoạt động này nên trong những năm qua, hoạt động lấn biển chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, thậm chí gây tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển. 

Hoạt động lấn biển thời gian qua đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng.

Quảng Ninh là địa phương có nhiều dự án lấn biển

Lợi thế “mặt tiền hướng biển”

Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260km với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển; dọc bờ biển Việt Nam có trên 50% số đô thị lớn của cả nước, có 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam. Đáng nói hơn, biển nước ta là một bộ phận của Biển Đông - nơi được xem là “ngã ba đường” của thế giới. Nhìn từ góc độ chiến lược thì khu vực biển này là “nút giao” giữa các luồng tư tưởng chiến lược toàn cầu của các cường quốc. Nổi bật gần đây là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” cắt qua Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi và Sáng kiến chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do” của Mỹ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, để triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến 2030, cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển. Chính vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần tập trung làm rõ, không chỉ các “lợi thế” mà cả các “yếu thế” của các vùng, miền. Từ đó, chuyển lợi thế thành “lợi ích”, và nếu có yếu thế thì chuyển nó thành lợi thế, rồi thành lợi ích; biến thách thức thành cơ hội.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời. Nhiều dự án  đã và đang được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau nhưng các dự án lấn biển có quy mô lớn tập trung tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang… Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tính đến cuối năm 2017, ở Việt Nam có 71 khu lấn biển tại 19 tỉnh, thành ven biển. Có thể kể một số dự án lấn biển tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; Khu đô thị mới Halong Marina rộng 230ha; Khu đô thị Quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210ha, Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang New Town rộng 117ha (Đà Nẵng); Dự án Saigon Sunbay hơn 600ha (Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh); Khu đô thị mới Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420ha… Các dự án lấn biển đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ở khu vực ven biển, hải đảo.

PGS.TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời khẳng định một hướng đi tích cực, hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Hơn nữa, chúng ta không chỉ lấn biển sát bờ mà còn cần tính đến cả các dự án cách xa bờ. Địa phương nào có điều kiện lấn biển thì nên lấn và nơi nào chưa làm thì nên nghĩ đến trong tương lai. Chúng ta cũng nên nghĩ đến việc kết nối các đảo nhỏ còn ít người ở, làm kè biển, đê biển, san lấp phát triển thành các điểm dân cư, khu đô thị mới, vừa có thêm quỹ đất vừa bảo đảm công tác an ninh quốc phòng tại các khu vực xa đất liền.

Khu vực ven biển là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và đất liền, là nơi chịu tác động từ hoạt động trên vùng đất ven biển và cung cấp nguồn tài nguyên và các giá trị để phát triển vùng đất ven bờ. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh ra và duy trì các hệ sinh thái có giá trị và cũng chịu tác động nhiều nhất bởi các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát triển mạng lưới đô thị biển - tại sao không?

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho biết, để hướng ra biển, dựa vào biển, vươn ra biển lớn theo Chiến lược biển Việt Nam đến 2030 thì cần xây dựng một “Mạng lưới các đô thị biển” với tư cách là những “cực phát triển” chủ lực, có động lực lan tỏa rộng lớn và có khả năng kết nối không gian kinh tế ven biển, không gian kinh tế đảo và không gian kinh tế biển.

Thực tế cho thấy, không chỉ là một quốc gia biển rộng, Việt Nam còn là quốc gia có nhiều đảo (hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, gồm 2.773 đảo ven bờ), phân bố thành các tuyến/cụm đảo quan trọng, có khả năng phát triển thành những trung tâm kinh tế kết hợp với tuyến phòng thủ biển, đảo.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới có “chuỗi đô thị ven biển” (Coastal cities), chưa có đô thị đảo (Island city) và đô thị biển (Ocean-based city). Cho nên, về lộ trình phát triển, cần ưu tiên cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng chuỗi đô thị ven biển, bao gồm các đô thị ven biển hiện có (cũ) từ Móng Cái cho đến Hà Tiên, trong đó có các đô thị trung tâm đóng vai trò chủ lực cho vùng như: Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu...

Cùng với đó là các đô thị ven biển mới gắn với khu kinh tế ven biển và cảng nước sâu như: Nghi Sơn gắn với khu kinh tế và cảng nước sâu cùng tên (tỉnh Thanh Hóa);  Kỳ Anh gắn với khu kinh tế và cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh); Chu Lai gắn với khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và cảng nước sâu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); Vạn Tường gắn với khu kinh tế Dung Quất và cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi)...

“Ngoài phát triển chuỗi đô thị ven biển như nói trên, thì cần chuẩn bị để sớm xây dựng một chuỗi đô thị đảo ở 12 huyện đảo của nước ta. Tương tự như đô thị ven biển, phát triển đô thị đảo nhằm tạo kết nối đảo với biển và vùng ven biển (đất liền), hình thành các cực phát triển, tạo khả năng tích tụ dân số, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực kinh tế biển, giúp tăng cường thực thi chủ quyền dân sự, tạo “đối trọng” với các sáng kiến chiến lược qua biển Đông nói trên, góp phần khắc phục những thách thức trong bối cảnh mới ở biển Đông.”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, các đảo có triển vọng phát triển đô thị đảo như: Cô Tô và Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, cần ưu tiên xây dựng sớm các đô thị đảo ở Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc. Đặc biệt, Côn Đảo có thể đủ điều kiện phát triển như một “Hawaii” (Mỹ) thu nhỏ. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh phát triển đô thị biển. Đô thị biển hướng tới phát triển “nổi trên biển, đảo nhân tạo hoàn toàn hoặc dựa trên nền các đảo nhỏ hay bãi cạn...”.

Bài và ảnh: Nhật Tuấn