Hoạt động lấn biển - thực trạng và "khoảng trống" pháp lý

Kỳ 3: Xử lý sai phạm kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”

- Thứ Tư, 04/08/2021, 05:51 - Chia sẻ
Thời gian qua, tình trạng san lấp, lấn biển tràn lan đã phá vỡ cảnh quan, quy hoạch. Một số doanh nghiệp lợi dụng, biến tướng các dự án được phê duyệt để tiến hành lấn biển trái phép. Việc buông lỏng quản lý, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển diễn ra ở một số địa phương gần đây trở thành vấn đề nhức nhối. Tuy nhiên, nhiều vụ việc được xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” khiến doanh nghiệp nhờn, không phục hồi lại hiện trạng ban đầu.
Ảnh minh họa

Vô tư lấn biển

Theo quy định, các dự án lấn biển phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định như: đắp bờ vây, chống bồi lắng bùn cát trước khi đổ thải, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có phương án kỹ thuật thi công, thực hiện quan trắc môi trường, nạo vét bùn khi hoàn thành dự án.

Có thể nói, những dự án đổ đất lấn biển khi triển khai thực hiện đều ít khi tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, không theo quy hoạch và một số chủ dự án do năng lực về tài chính có hạn, vấp phải sự phản đối của người dân, thanh tra lòi ra sai phạm đã dẫn đến tình trạng dự án “đắp chiếu” kéo dài. Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng chỉ trong 10 năm “san núi, lấp biển” lập khu đô thị, khu du lịch và đường ven biển... ở nhiều địa phương như: TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu du lịch Hòn Tằm (tỉnh Khánh Hòa), vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) bờ biển đang dần bị thu hẹp, cảnh quan và môi trường sinh thái bị xâm hại nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp, sau khi đã đổ đất lấn biển đã chiếm dụng “vô tư” hàng chục hecta, khi chính quyền địa phương được biết thì mọi sự đã rồi. Các dự án này lại tiếp tục được các cấp, các ngành có thẩm quyền ở địa phương duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết mặt bằng. Việc xử lý không minh bạch dẫn đến khiếu kiện, thậm chí hai doanh nghiệp cùng lấn biển tố nhau như trường hợp Công ty TNHH Đức Ngọc Quảng Ninh và Công ty CP Xây dựng Quảng Hồng tại tỉnh Quảng Ninh…

Theo quy định các dự án ven biển, lấn biển phải thực hiện đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đúng quy trình san lấp mặt bằng, hút và vận chuyển đất, đá, bùn đúng nơi quy định. Thế nhưng, hầu hết quy định trên đều bị bỏ qua, thay vào đó là hàng loạt hoạt động san lấp mặt bằng, lấn biển vô tổ chức. 

Sai phạm nghiêm trọng, chỉ cấp xã bị đề nghị kỷ luật

Năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo kiểm tra 6 dự án đầu tư xây dựng thuộc khu vực TP. Nha Trang mà báo chí phản ánh có hoạt động lấn biển, ảnh hưởng đến vịnh Nha Trang.

Kết quả, có các dự án vi phạm việc san lấp ngoài ranh giới dự án được giao, bao gồm, dự án Công viên Văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang do Công ty Nha Trang Sao làm chủ đầu tư (dự án này đã bị cưỡng chế thu hồi tháng 3.2021); Dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa do Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa làm chủ đầu tư.

Có không ít các sai phạm trong các dự án lấn biển được chính quyền địa phương “bật đèn xanh”. Dự án Alipu Resort, Sao Mai Anh Resort... qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm; các bộ ngành đã chỉ ra những thiếu sót, sai phạm trong đó có việc lấn biển tại khu vực vịnh Nha Trang. Nhưng theo đề xuất của các cơ quan tỉnh Khánh Hòa thì các dự án này có quyết định đầu tư trước khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực (ngày 1.7.2016), vì thế cho các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện.

Hoặc nữa, Dự án Khu đô thị Phương Đông Vân Đồn là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, với quy mô lên tới 170ha. Trong đó quy hoạch đất khu nhà ở 98ha; đất ở 69,46ha. Chỉ trong 2 ngày 28 và 29.1.2021, Công ty Phương Đông đã đổ hàng nghìn khối đất, đá xuống vịnh Bái Tử Long, lấn ra hơn 10m so với bờ kè khu đô thị và trải dài hàng trăm mét dọc theo bờ biển, với diện tích khoảng 16.000m2 phần mặt nước, bãi triều tại thôn Đông Tiến. Việc lấn biển làm ảnh hưởng đến 35ha bãi đào, đánh bắt sá sùng trên khu vực bãi biển thuộc địa phận xã Đông Xá, Khu Kinh tế Vân Đồn.

Ngày 19.2.2021, UBND huyện Vân Đồn đã ra Quyết định số 05 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Phương Đông, theo đó áp dụng hình phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng và yêu cầu doanh nghiệp này phải hoàn trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo quyết định. Tuy nhiên, công ty chỉ nộp phạt, còn hoàn trả mặt bằng thì không.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Đức Thành cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 4.2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có kết luận kiểm tra về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Đông Xá, huyện Vân Đồn liên quan đến vụ đổ trộm đất, lấn chiếm vịnh Bái Tử Long hồi đầu năm 2021.

Theo đó có 3 cá nhân gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Xá Nguyễn Thành Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xá Phạm Văn Thùy và cán bộ địa chính Phạm Ngọc Sơn bị đề nghị xem xét kỷ luật. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, Khu đô thị Phương Đông là dự án quy mô lớn thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền cao hơn cấp xã nên cần xem xét cả trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể lãnh đạo cao hơn cấp xã. Ngoài ra, mức xử phạt 100 triệu đồng cho hành vi đổ đất và lấn chiếm vịnh Bái Tử Long của Công ty Phương Đông chưa đủ sức răn đe, chưa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Nhật Tuấn