Hoạt động lấn biển - thực trạng và "khoảng trống" pháp lý

Kỳ 4: Quy định mới về giao khu vực biển

- Thứ Năm, 05/08/2021, 06:22 - Chia sẻ
Hiện nay, ngoài các thủ tục về cấp phép đầu tư, các dự án lấn biển trước khi được thực hiện phải xem xét các quy định về hành lang bảo vệ bờ biển và phải thực hiện các quy định về giao khu vực biển. Nghị định về giao khu vực biển mới ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động lấn biển.
Nguồn: ITN

Mới có 2 tỉnh hoàn thành hành lang bảo vệ bờ biển

Hành lang bảo vệ bờ biển được đề cập lần đầu tiên tại Khoản 1, Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường, biển và hải đảo. Tiếp theo Nghị định 40/2016/NĐ-CP, Thông tư 29/2016/TT-BTNMT đã quy định chi tiết và hướng dẫn kỹ thuật xác lập hành lang bảo vệ bờ biển cho dải bờ biển Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của hành lang bảo vệ bờ biển là việc cấm tất cả hoặc một số hoạt động nằm trong hành lang bảo vệ bờ biển, trong đó chủ yếu là các hoạt động/dự án xây dựng các công trình ven biển. Điều này gây nên các mối lo ngại cho doanh nghiệp, người dân và cả chính quyền địa phương, cũng như tiềm ẩn các xung đột về quyền sử dụng đất trong quá trình lập danh mục, xác định ranh giới và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển. Bên cạnh đó, việc xây dựng quy chế quản lý hành lang bảo vệ bờ biển cũng là một nội dung cần thực hiện khi lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định việc khai hoang, lấn biển là một trong các hoạt động bị hạn chế trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (Điểm b, Khoản 1, Điều 25) và chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (Khoản 2, Điều 41, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo).

Tuy vậy, hiện mới chỉ có Quảng Ngãi và Bình Định đã hoàn thành việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, tức là đã xong cả 4 bước theo quy định về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Bốn địa phương gồm Quảng Trị, Phú Yên, Bến Tre và Sóc Trăng đã xong bước 1, 2, 3 và đang chuẩn bị cắm mốc giới. Tuy nhiên, tại Phú Yên phát sinh vấn đề là người dân phản đối việc cắm mốc do nhà của họ nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển. Theo đó, hiện tỉnh Phú Yên đang xem xét đề xuất điều chỉnh phạm vi ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.

Một số địa phương đang ở bước 3, trong đó có Hải Phòng là cơ bản đã xong bước này, đang chờ quyết định của UBND thành phố phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển. Hầu hết các tỉnh, thành còn lại đang ở bước 2, trong đó một số tỉnh, thành đã xây dựng xong dự thảo danh mục và đang lấy ý kiến các bên liên quan tại địa phương, cũng như lấy ý kiến các bộ, ngành, một số tỉnh đang triển khai hoặc bắt đầu triển khai dự án.

Riêng TP. Hồ Chí Minh hiện nay chưa triển khai thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Do vậy, công tác quản lý hoạt động lấn biển cũng đặt ra những yêu cầu đặc biệt trong công tác quản lý hoạt động này, có mối liên quan đến các quy định về quản lý tài nguyên, đa dạng sinh học, thủy sản…

“Sự ra đời của Nghị định 11/2021 giúp kiểm soát tốt hơn việc sử dụng khu vực biển đối với các thủ tục của tổ chức, cá nhân xin cấp phép giao khu vực biển. Tuy nhiên, cần hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và các chế tài cần thiết để kiểm soát và định hướng tốt hơn về phát triển bền vững đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, sử dụng khu vực biển đó”.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam

 

Bổ sung quy định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản

Hiện nay, ngoài các thủ tục về cấp phép đầu tư, các dự án lấn biển trước khi triển khai phải thực hiện các quy định về giao khu vực biển, được quy định chi tiết tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21.5.2014 của Chính phủ, nay được thay thế bằng Nghị định 11/2021/NĐ-CP giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, có hiệu lực thi hành từ ngày 30.3.2021.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nghị định 11/2021 có rất nhiều điểm mới, nổi bật như quy định tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân có phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh, tức là phải được giao khu vực biển để sử dụng (trừ việc sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định và một số trường hợp không phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển); trong đó đặc biệt quan trọng là bổ sung quy định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Về thời hạn giao khu vực biển, Nghị định 11/2021 quy định đối với dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư mà có thời hạn đầu tư trên 30 năm thì thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định trên 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn đầu tư ghi trên văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (trừ dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển). Trước đây, Nghị định 51/2014 quy định thời hạn giao khu vực biển tối đa không quá 30 năm.

Theo ông Tùng, Nghị định 11/2021 đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giao khu vực biển cho chính quyền địa phương, mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh ra đến 6 hải lý so với Nghị định 51/2014 trước đây chỉ đến 3 hải lý; thêm thẩm quyền giao khu vực biển cho UBND cấp huyện đối với nuôi trồng thủy sản.

Nhật Tuấn