Hoạt động lấn biển - thực trạng và "khoảng trống" pháp lý

Kỳ cuối: Phát triển bền vững kinh tế biển

- Thứ Sáu, 06/08/2021, 05:50 - Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, việc xây dựng Dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển nhằm tạo hành lang pháp lý, thủ tục hành chính cho các hoạt động lấn biển, phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu quản lý phát sinh trong thực tiễn.

Tránh chồng chéo, phát sinh thủ tục

Thông thường, sau khi lấn biển, các khu vực này thường được sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội và làm gia tăng phát thải chất gây ô nhiễm vào môi trường (nước thải, chất thải sinh hoạt đối với các khu dân cư, đô thị; nước thải, chất thải rắn, khí thải đối các hoạt động phát triển công nghiệp, cảng biển). Đặc biệt ở một số khu vực lấn biển đã có hiện tượng gia tăng ô nhiễm kim loại nặng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc quản lý hoạt động lấn biển. Trong khi đó, pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này. Pháp luật đất đai chỉ quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có quy định liên quan đến thẩm quyền đối với một số dự án lấn biển có quy mô lớn.

Pháp luật bảo vệ môi trường có quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên không có yêu cầu quy định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển… Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phan Tuấn Hùng cho rằng: Lấn biển là hoạt động đã phát sinh trên thực tế, tuy nhiên, về góc độ pháp lý, hiện Việt Nam chưa có các quy định cụ thể để quản lý và kiểm soát hoạt động lấn biển. Việc xây dựng Nghị định quy định hoạt động lấn biển là hết sức cần thiết, sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện, cụ thể để quản lý, kiểm soát hoạt động này; đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư lấn biển.

Ngày 19.7.2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 193/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, phần lớn nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển đã được quy định trong Nghị định số 11/2021/NĐ - CP giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; nghị định này có hiệu lực thi hành từ 30.3.2021 đã quy định việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Chính vì thế, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường việc xây dựng Nghị định về hoạt động lấn biển, cần được cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, tránh chồng chéo, trùng lặp, làm phát sinh thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Bộ cần đặc biệt lưu ý về tính khả thi khi xác định giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong điều kiện chưa san lấp mặt biển; đồng thời bảo đảm không để thất thoát ngân sách nhà nước; không trái với các quy định của Luật Biển Việt Nam; Luật Tài nguyên và Môi trường biển và hải đảo và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo phải quy định: trong mỗi bản kế hoạch lấn biển phải nêu rõ những tác động của hoạt động này đối với tự nhiên, môi trường, đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như những tác động đến: Thủy lực và Thủy động lực học ven biển; Thủy văn và nước ngầm; Biển, sông và nước lợ; Hệ thống sinh học và sinh thái biển và nước ngọt; Giao thông và Tiếp cận; Quản lý chất thải; Giá trị đất đai; Cơ hội việc làm…

Các dự án lấn biển muốn được cấp phép phải được giao khu vực biển 

Phân cấp cấp phép lấn biển

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là hầu hết khu vực lấn biển ban đầu có tính tự phát, chưa được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng hay quy hoạch để phù hợp với chế độ thủy văn, hải văn, động lực biển, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng bền vững các khu vực lấn biển và giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động lấn biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo được đưa ra lấy ý kiến từ cuối tháng 5.2021. Dự thảo gồm 5 chương, 20 điều trong đó quy định về các nguyên tắc chung khi lấn biển; khu vực lấn biển, kế hoạch và phương án lấn biển; cấp phép lấn biển; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án có hoạt động lấn biển; nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động lấn biển; quản lý, sử dụng khu vực lấn biển đã được cấp phép…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, liên quan đến cấp phép lấn biển, Dự thảo đề xuất 2 phương án xin ý kiến. Phương án 1: Có cấp phép lấn biển. Phương án 2: Không cấp phép lấn biển.

Đối với phương án có cấp phép lấn biển, Bộ đề xuất quy định như sau: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép lấn biển trong các trường hợp sau đây: Dự án đầu tư lấn biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư lấn biển có phạm vi ranh giới lấn biển thuộc hai hay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;  dự án đầu tư lấn biển có diện tích lấn biển từ 20ha trở lên, hoặc có chiều dài đường ranh giới lấn biển từ 1.000m trở lên. UBND cấp tỉnh cấp giấy phép lấn biển không thuộc trường hợp quy định trên.

Dự thảo nêu rõ điều kiện cấp giấy phép lấn biển như sau: Phù hợp với kế hoạch lấn biển đã được phê duyệt; có văn bản chấp thuận thực hiện dự án đầu tư lấn biển; có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; có phương án lấn biển theo quy định. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lấn biển bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép lấn biển, phương án lấn biển theo quy định, bản sao văn bản chấp thuận thực hiện dự án đầu tư lấn biển, bản sao quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

Nhật Tuấn