Kỷ cương nào cho kinh doanh đa cấp ?

- Thứ Năm, 29/07/2021, 14:07 - Chia sẻ
Cơ quan quản lý nhà nước cần sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm quản lý tốt hơn hoạt động bán hàng đa cấp, thanh lọc những doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém. Đó là nhận định của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh tại Tọa đàm trực tuyến Lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp do Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) tổ chức ngày 28.7.

Thay đổi là tất yếu

Hiện tại, Bộ Công thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo bổ sung các điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với nhà đầu tư nước ngoài; sửa đổi quy định về đăng ký hoạt động tại địa phương; bổ sung quy định về tỷ lệ hoa hồng trên doanh số cá nhân; bổ sung quy định quản lý hoạt động bảo trợ quốc tế…

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) Trịnh Anh Tuấn nhận định, thực tiễn việc quản lý phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp trong những năm qua đã đạt được nhiều bước tiến trong việc tạo hành lang pháp lý, sàng lọc doanh nghiệp bất chính... Từ đó, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh để các doanh nghiệp chân chính đưa sản phẩm tới gần với người tiêu dùng Việt Nam hơn. Hoạt động kinh doanh đa cấp của doanh nghiệp cũng thường xuyên được kiểm tra, rà soát, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như thực tiễn pháp triển của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp…

Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) Trịnh Anh Tuấn.
Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) Trịnh Anh Tuấn.
Ảnh: ITN

Đồng tình với quan điểm đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) Võ Đan Mạch cho rằng, sau khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực năm 2018, toàn thể các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội luôn nâng cao ý thức tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 40, hướng tới sự minh bạch và phát triển bền vững. Cùng với sự quyết liệt của Bộ Công thương và các sở Công thương trong công tác quản lý và giám sát, hoạt động bán hàng đa cấp đã đi vào ổn định, minh bạch và hiệu quả hơn rất nhiều. Số lượng doanh nghiệp hoạt động đã giảm mạnh, từ hơn 60 doanh nghiệp năm 2018, đến giờ chỉ còn hơn 20 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp mới được cấp phép. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 40 cần xét tới thực tế này để vừa tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển minh bạch, bền vững của ngành, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển...

Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) Võ Đan Mạch. Ảnh: ITN
Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) Võ Đan Mạch.
Ảnh: ITN

“Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP vẫn còn một số bấp cập nên cần thận trọng hơn. Một số vấn đề liên quan tới hoạt động cốt lõi và hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp có thể sẽ gây ra khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi, bao gồm: Quy định không cho phép/hạn chế bảo trợ quốc tế. vấn đề quy định mới về bảo trợ quốc tế; Quy định hoa hồng cá nhân tối thiểu 20%...; Yêu cầu về thời gian cập nhật thông tin trên hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng cần điều chỉnh điều kiện mới áp dụng cho người đại diện tại địa phương; quy định về hội nghị, hội thảo... để tạo những bước tiến thực sự cho hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Các chuyên gia kinh tế cũng thống nhất rằng, về cơ bản, các sửa đổi trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 40/2018/NĐ-CP do Bộ Công thương đưa ra cơ bản sát hợp với điều kiện của hoạt động kinh doanh đa cấp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển đa dạng của nền kinh tế. Dự thảo nghị định đã làm rõ, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, qua việc điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế, ngăn ngừa các hoạt động trái phép, thu lợi bất chính từ thị trường Việt Nam. Bên cạnh việc tăng cường quản lý các hoạt động động bán hàng đa cấp bằng các quy định cụ thể, cùng cần sửa đổi, bổ sung những quy định Nghị định 40/2018/NĐ-CP một cách chi tiết để mang lại môi trường phát triển bền vững cho doanh nghiệp…

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính).  Ảnh: Đức Hiệp
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính).
Ảnh: Đức Hiệp

“Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đa cấp không chú trọng bán hàng mà tập trung xây dựng mạng lưới người tham gia và tìm các cách khác nhau khiến người đó mua hàng, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ trong mạng lưới, việc mua hàng chủ yếu để đạt thành tích, cấp bậc và hưởng hoa hồng. Chính vì vậy, các quy định trong Nghị định sửa đổi là cần thiết. Tuy nhiên, một số điều, khoản sửa đổi cần được xem xét cẩn trọng hơn, tránh tạo ra rào cản không cần thiết và hạn chế tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp chân chính.”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nêu rõ quan điểm.

Để doanh nghiệp phát triển bền vững

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam Nguyễn Phương Sơn cho rằng, việc nhà phân phối không được hưởng lợi ích từ kết quả kinh doanh của tuyến dưới ở nước ngoài là không phù hợp với nguyên tắc cốt lõi được thừa nhận tại khái niệm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP là “người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”. Ngoài ra quy định này cũng làm mất động lực của nhà phân phối, hạn chế cơ hội mở rộng mạng lưới ra nước ngoài của chính các doanh nghiệp bán hàng đa cấp Việt Nam. Mặt khác cũng gây ra sự đứt gãy của mạng lưới kinh doanh toàn cầu, đi ngược lại với thực tiễn hoạt động của ngành kinh doanh theo mạng lưới…

Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam Nguyễn Phương Sơn. Ảnh: ITN
Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam Nguyễn Phương Sơn
Ảnh: ITN

Đại diện Oriflame Việt Nam Dương Thị Phù Sa cho rằng, việc quy định các thông tin của cá nhân nhà phân phối phải được cập nhật trên hệ thống ngay sau khi phát sinh giao dịch do quan ngại về việc doanh nghiệp có thể can thiệp để sửa đổi dữ liệu là không cần thiết vì các dữ liệu này do cả nhà phân phối và doanh nghiệp cùng nắm giữ nên không bên nào có thể đơn phương sửa đổi. Bên cạnh đó, việc quy định các thông tin về cấp bậc của nhà phân phối phải được cập nhật trên hệ thống ngay sau khi phát sinh giao dịch và các thông tin về hoa hồng phải cập nhật trong vòng 1 ngày kể từ thời điểm kết thúc kỳ tính thưởng là chưa phù hợp vì các thông tin này phải tùy thuộc vào thời gian tính toán thực tế và xét chuẩn theo từng chính sách của doanh nghiệp…

Đức Hiệp