Đại hội đồng IPU-143 và những thách thức thời đại

Kỳ họp của hy vọng và dân chủ

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 05:26 - Chia sẻ
“Tăng cường sự ủng hộ nghị viện toàn cầu vì bình đẳng vaccine trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19” đã trở thành chủ đề nóng và khẩn cấp nhất được Hội đồng Điều hành của IPU-143 (diễn ra từ 26 - 30.11.2021) thông qua, trong bối cảnh sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến nhiều quốc gia vốn đã mở cửa buộc phải áp đặt lại các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ. Trong nhiều thập kỷ qua, đây là lần đầu tiên, một vấn đề khẩn cấp được Hội đồng Điều hành IPU thông qua với tinh thần đồng thuận tuyệt đối và không phải bỏ phiếu.
Toàn cảnh Đại hội đồng IPU - 143 tại Tây Ban Nha
Nguồn: IPU

Hội nghị IPU trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2019

Được tổ chức bởi Cortes Generales - Quốc hội Tây Ban Nha, từ ngày 26 - 30.11.2021, Đại hội đồng IPU-143 là kỳ họp trực tiếp đầu tiên được nối lại sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, với sự tham dự của hàng trăm nghị sĩ đến 117 quốc gia, trong đó có 44 Chủ tịch Quốc hội. Đây cũng là lần thứ tư, Quốc hội Tây Ban Nha đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU.

Con số kỷ lục 38,6% nữ nghị sĩ tham dự Đại hội đồng lần này đã thể hiện cam kết kiên trì của IPU đối với bình đẳng giới và sự đại diện mạnh mẽ của các nữ nghị sĩ. Khoảng 25% số nghị sĩ tham dự dưới 45 tuổi, cũng cho thấy những tiến bộ mạnh mẽ trong nỗ lực của IPU thúc đẩy thanh niên tham gia chính trị.

Sát cánh trước đại dịch Covid-19

Nghị quyết “Tăng cường sự ủng hộ nghị viện toàn cầu vì bình đẳng vaccine trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19” do nhóm các nước châu Phi đề xuất, đã được Hội đồng Điều hành thông qua với sự nhất trí tuyệt đối. Trước đó có 4 vấn đề được các nước đưa ra để xem xét lựa chọn, nhưng sau đó, các nước đều đã rút đề xuất của mình để ủng hộ tuyệt đối cho chủ đề bình đẳng vaccine vì tính khẩn cấp và tác động to lớn của vấn đề này, phù hợp với chủ đề chung của Đại hội đồng lần này.

Nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm “tiếp cận kịp thời, bình đẳng và phổ cập đối với vaccine an toàn, giá cả phải chăng, chất lượng và hiệu quả”. Nghị quyết công nhận rằng “việc thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng mang lại lợi ích công cộng đối với toàn thế giới”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng vaccine và kêu gọi các quốc gia tiếp cận vaccine thiết yếu tùy theo nguy cơ và nhu cầu.

Trong cuộc thảo luận, các nghị sĩ đã chỉ ra "khoảng cách rõ ràng" giữa châu Phi và phần còn lại của thế giới trong việc triển khai chiến dịch phổ cập vaccine ngừa Covid-19. Theo Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới, mới chỉ có chưa đầy 2% người dân sống ở các nước thu nhập thấp của châu Phi được tiêm chủng đầy đủ và dưới 10% ở các nước có thu nhập trung bình. Trong khi đó, hơn 60% dân số ở các nền kinh tế tiên tiến đã được tiêm chủng đầy đủ. Tình trạng bất bình đẳng này không chỉ là nguy cơ đối với các nước kém phát triển ở châu Phi mà còn là nguy cơ đối với toàn nhân loại, bởi như Chủ tịch WHO đã từng nhắc nhở, sẽ không có nơi nào an toàn cho đến khi cả thế giới an toàn. Tình trạng bất công bằng trong tiếp cận vaccine dẫn đến khoảng cách rõ ràng trong phổ cập tiêm chủng giữa nước giàu và nước nghèo có thể là một trong những lỗ hổng gây ra tình trạng đột biến ở virus, đưa đến những biến thể mới khó lường hiện nay.

Vượt qua thách thức đương đại đối với nền dân chủ

Bên cạnh chủ đề khẩn cấp về vaccine và Covid-19, các nghị sĩ đã thảo luận nhiều khía cạnh xung quanh chủ đề chung của Đại hội đồng: “Những thách thức đương đại đối với nền dân chủ: Vượt qua sự chia rẽ và xây dựng cộng đồng”. Đại hội đồng đã nghe hơn 130 lượt phát biểu, nêu bật những thách thức đương đại của thế giới đối với nền dân chủ, nhất là đại dịch Covid-19, tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc, sắc tộc, nạn di cư bất hợp pháp, những vấn đề an ninh phi truyền thống cấp bách như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm biển, kêu gọi các nghị viện nêu cao pháp quyền và tôn trọng quyền con người, đoàn kết, lan tỏa tinh thần hợp tác hữu nghị cùng vượt qua thách thức, phục hồi sau đại dịch, bảo đảm công bằng, công lý và bình đẳng trong mỗi nước và trên thế giới, chung tay xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.

Các thành viên IPU cũng thông qua Tuyên bố Madrid, trong đó kêu gọi một cách tiếp cận mới đối với nền dân chủ với cam kết mới đối với các giá trị dân chủ cốt lõi, tính toàn diện và giải quyết vấn đề.

Phát biểu tại Đại hội đồng, Chủ tịch Hạ viện Tây Ban Nha Meritxell Batet cho rằng: “Sự đa dạng và cởi mở, hợp tác và đồng thuận là bản chất của cơ quan dân cử và của tổ chức Nghị viện Thế giới. Quốc hội Tây Ban Nha rất vinh dự được chào đón các nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Đây là đại hội của Hy vọng - là đại hội của dân chủ”.

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco lưu ý: “Hai năm qua được đánh dấu bằng sự thoái lui nguy hiểm khỏi cam kết chung của thế giới đối với dân chủ và nhân quyền. Chúng ta đã và đang chứng kiến ​​một đại dịch của các cuộc đảo chính quân sự và các cuộc tấn công trực tiếp vào tổ chức dân chủ ở Sudan, Mali, Myanmar, Afghanistan và Guinea. Chúng ta phải sát cánh cùng nhau để kiên quyết lập lại trật tự hiến pháp. IPU vẫn cảnh giác trong việc bảo vệ nền dân chủ và giúp các quốc gia quay trở lại con đường dân chủ”.

Chiến lược IPU mới

Các thành viên IPU cũng dự kiến ​​sẽ áp dụng một chiến lược mới cho IPU cho giai đoạn 2022 - 2026. Chiến lược mới nhằm tái định hướng IPU tập trung vào các lĩnh vực mà tổ chức này có thể có tác động lớn nhất cũng như những lĩnh vực đang cần những hành động khẩn cấp của cơ quan lập pháp trên khắp thế giới.

Chiến lược xác định các ưu tiên chính sách trong 5 năm tới bao gồm: hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu; dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới và sự tham gia của thanh niên; hòa bình và an ninh; phát triển bền vững để không bỏ ai lại phía sau.

Tổng thư ký IPU Martin Chungong cho biết: “Chiến lược IPU 2022 - 2026 được thiết kế để định hướng lại hành động của IPU phù hợp với những thách thức toàn cầu, sẽ giúp định hướng hành động, định hướng giá trị của IPU. Bản chiến lược không phải là mẫu hình áp dụng cho tất cả các thành viên mà được xây dựng để áp dụng linh hoạt, thích hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước và kinh nghiệm của các nghị viện trong ứng phó với khủng hoảng Covid-19, trong đó bao gồm khả năng tự cường của nghị viện.

Bản chiến lược được xây dựng dựa trên tác động mà chúng tôi đã đạt được cho đến nay với tư cách là một tổ chức nghị viện toàn cầu, đặc biệt là về sự tham gia của thanh niên và bình đẳng giới. Bên cạnh đó, nó cũng tập trung sâu hơn vào các ưu tiên chính sách cụ thể - đặc biệt là biến đổi khí hậu và hỗ trợ các nghị viện thực hiện các thỏa thuận của Liên Hợp Quốc như Thỏa thuận Paris. Một thay đổi khác sẽ là xem xét đến “hệ sinh thái nghị viện”, bao gồm tất cả mối quan hệ đối tác giúp củng cố nền dân chủ nghị viện, thay vì xem xét các cơ quan lập pháp một cách riêng rẽ.

Tặng thưởng mới cho “nghị sĩ của năm”

Đại hội đồng IPU-143 cũng đã nhất trí đưa ra “Tặng thưởng IPU Cremer-Passy”, còn được gọi là “Tặng thưởng nghị sĩ của năm”, dành cho một cá nhân nghị sĩ hoặc nhóm các nghị sĩ có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sứ mệnh của IPU cũng như cho một tổ chức đoàn kết, công bằng, an toàn, bền vững và thế giới bình đẳng.

Người được nhận Tặng thưởng sẽ được công bố vào ngày 30.6, Ngày Quốc tế Chủ nghĩa Nghị viện; đồng thời cũng là ngày kỷ niệm thành lập IPU.

Giải thưởng được đặt theo tên của hai nghị sĩ, hai chính trị gia, học giả kinh tế, nhà nghiên cứu phát triển chiến lược người Anh và Pháp đã thành lập IPU vào năm 1889 tại Hội nghị IPU đầu tiên ở Paris: là William Randal Cremer (Anh) và Frederic Passy (Pháp).

Đạt Quốc