Kỹ lưỡng, chắc chắn, hiệu quả

- Thứ Tư, 08/12/2021, 06:18 - Chia sẻ
Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 mới đây, các thành viên Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, hiệu quả do có đối tượng tác động lớn, phạm vi không chỉ cơ chế thực hiện của hệ thống y tế mà cả ngân sách nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban Xã hội Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban Xã hội
Ảnh: Hồ Long

Làm rõ tính cấp bách của một số chính sách

Ủy viên Ủy ban Xã hội, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 để Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 là rất cần thiết. Đây là cơ sở giúp các bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế và lực lượng được huy động tham gia phòng, chống dịch yên tâm công tác, bởi thực tế áp lực công việc đặt lên vai các lực lượng này là rất lớn.

Mặc dù đến nay, về cơ bản chúng ta đã khống chế được dịch, nhưng quá trình tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch cho thấy, còn nhiều vấn đề đã triển khai vẫn cần bổ sung cơ chế pháp lý cho việc thực hiện, hoặc cần có cơ chế pháp lý để dự phòng cho các tình huống pháp lý tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Qua rà soát cho thấy, các khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung vào 4 nhóm vấn đề: khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược; trang thiết bị y tế. Do đó, dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nội dung tập trung vào 4 nhóm vấn đề trọng tâm trên.

Các Ủy viên Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng do có đối tượng tác động lớn, phạm vi không chỉ cơ chế thực hiện của hệ thống y tế mà cả ngân sách nhà nước. Trong số các chính sách mà Chính phủ đề xuất lần này, một số chính sách nhằm giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thời gian trước; một số chính sách được trình để thực hiện lâu dài và dự kiến sẽ được bổ sung, điều chỉnh khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, Thường trực Ủy ban cho rằng, Tờ trình cần làm rõ tính cấp bách của các chính sách này, bảo đảm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Bảo đảm chặt chẽ trong quản lý, tổ chức thực hiện

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát tại các địa phương, trong những thời điểm nhất định, do năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và cả năng lực điều trị tại chỗ đều hạn chế, để khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, kịp thời cứu chữa người bệnh, các địa phương và Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Cụ thể gồm các bác sĩ không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà ở tất cả các chuyên ngành, trong đó có nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chí trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề; học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19, chăm sóc người bệnh Covid-19...

Cơ chế huy động nhân lực như trên đã góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch của nước ta, đồng thời khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cần được tiếp tục phát huy trong trường hợp dịch bệnh xảy ra ở mức độ cao. Tuy nhiên, các hoạt động nêu trên chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, để phù hợp với thực tiễn của hoạt động chống dịch, khi dịch ở mức độ cao đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người, Chính phủ kiến nghị cho phép Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản thống nhất với việc cần thiết phải huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực tham gia, đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Thực tế thời gian qua, chúng ta cũng đã huy động các nguồn nhân lực chống dịch, nên việc ban hành nghị quyết nhằm bảo đảm tạo cơ sở pháp lý cho triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, hoạt động khám, chữa bệnh tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, do đó, cần bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm sự chặt chẽ trong quản lý, tổ chức thực hiện và trách nhiệm thực hiện tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết (quy định về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19).

Cụ thể, Chính phủ cần làm rõ và bổ sung quy định cụ thể về chủ thể quyết định hoặc cho phép thi hành cũng như chủ thể chịu trách nhiệm khi người được huy động tham gia thực hiện các nhiệm vụ nêu trên để xảy ra những sự cố y khoa (nếu có). Bổ sung quy định Chính phủ hoặc Bộ Y tế quy định hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục cho phép nguồn nhân lực được huy động để thực hiện tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19, đặc biệt, cần quy định rõ cụm từ “khi dịch Covid-19 đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người”, cụm từ này có gắn với các cấp độ dịch mà Chính phủ đã ban hành, hướng dẫn hay không?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cũng đề nghị, bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp giữa cơ sở điều động nhân lực và cơ sở nhận nhân lực được điều động trong phân công nhiệm vụ cho các đối tượng được điều động; công tác giám sát phân công của người đứng đầu cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, cần làm rõ thêm đối tượng tham gia, ví dụ người đi vận động, tuyên truyền viên về việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Thực tế, cùng với lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, thì nhóm đối tượng này cũng có đóng góp rất tích cực vào công tác phòng, chống dịch, nhất là những lúc dịch bùng mạnh.

Trong phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc quy định cho phép Chính phủ, Bộ Y tế điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là cần thiết, cấp bách lúc này. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo động lực cho cơ sở y tế tư nhân tham gia, có cơ chế bù đắp chi phí vận hành của cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, cần làm rõ cách thức, nội dung áp dụng, thanh toán các chi phí tại cơ sở y tế tư nhân.

Việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 là cần thiết. Đây là những nội dung nhằm để thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng, chống dịch Covid-19 tại Kết luận số 20-KL/TW của Trung ương; các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội năm 2022, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, cụ thể hóa Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết 268/NQ/QH15.

Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống và bảo đảm đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh tính cấp bách, việc xem xét ban hành các chính sách còn phải được thực hiện trên nguyên tắc nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống văn bản. Như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thì tinh thần chung là “nhanh nhưng phải đúng, chắc chắn, hiệu quả”.

Nhật An