Tăng đại biểu chuyên trách cho HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026:

Kỹ lưỡng ngay từ khi giới thiệu người ứng cử

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 08:25 - Chia sẻ
Tại Phiên họp thứ 53 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cho HĐND thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong bối cảnh đang chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều ý kiến đề nghị, cần kỹ lưỡng ngay từ khâu giới thiệu người ứng cử đại biểu hoạt động chuyên trách để góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND TP Hà Nội.

Phù hợp với vị thế đặc biệt của thủ đô

Đối với đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong bối cảnh thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97 và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115 của Quốc hội thì việc Chính phủ, chính quyền thành phố đề nghị bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, kiến nghị, đề xuất này cũng bảo đảm tương quan với các địa phương khác cũng thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị (như thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội. 

Việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội không chỉ xuất phát từ đòi hỏi khi thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, cũng như khối lượng công việc rất lớn của chính quyền thủ đô Hà Nội. Trên thực tế, theo Tờ trình của Chính phủ, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã đề nghị bố trí các chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố cao hơn so với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Việc bố trí số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND thành phố Hà Nội không làm phát sinh tăng biên chế trong tổng biên chế hành chính được giao cho thành phố. Các đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội đều thuộc biên chế hành chính của Văn phòng HĐND thành phố tính trong tổng biên chế hành chính của thành phố đã được cấp có thẩm quyền giao.

Tờ trình của Chính phủ cũng khẳng định, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là của HĐND thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới, thiết thực, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả cao, được Thành ủy, cử tri, nhân dân thủ  đô ghi nhận, đánh giá cao; được Trung ương, Quốc hội đánh giá là “điểm sáng”, hình mẫu trong hoạt động của cơ quan dân cử cả nước. Trong thành công chung của HĐND thành phố Hà Nội có sự đóng góp hết sức quan trọng của các đại biểu hoạt động truyên trách của HĐND thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh  

Ảnh: Hồ Long 

Bảo đảm chất lượng ứng cử viên

Ủng hộ đề xuất tăng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội, song Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND thành phố trực thuộc Trung ương là một chức danh mới, chưa được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chức danh này mới được quy định tại Nghị quyết số 13 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong hệ thống thang, bảng lương hiện nay chưa có quy định về lương, phụ cấp và chế độ chính sách cho chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND. Dự thảo Đề án các chức danh, chức vụ tương đương từ Trung ương đến cơ sở và dự thảo Đề án cải cách tiền lương do Ban Tổ chức Trung ương đang chuẩn bị cũng chưa có quy định về vị trí và mức lương dành cho chức danh này.

Bên cạnh đó, tại Kết luận số 46 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị khẳng định, việc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức chính quyền gồm HĐND và UBND ở thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Do vậy, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, để bảo đảm có cơ sở chính trị vững chắc, Đảng đoàn Quốc hội cần báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bên cạnh việc bảo đảm tính chặt chẽ khi thực hành, nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm bảo đảm chất lượng của đại biểu hoạt động chuyên trách. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức, ngay từ việc quy hoạch, bố trí cán bộ đảm nhiệm chức danh Ủy viên chuyên trách tại các Ban của HĐND Thành phố nhiệm kỳ tới cần chú ý ưu tiên lựa chọn được những cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất và uy tin, có điều kiện tham gia công tác HĐND trong thời gian dài. Ông cho rằng, việc bố trí các cán bộ trẻ, có thời gian công tác dài sẽ rất tốt cho hoạt động của HĐND các cấp, vì kinh nghiệm hoạt động dân cử sẽ dày thêm qua các nhiệm kỳ công tác. Nếu chỉ bố trí để giải quyết chính sách, chế độ cho một số trường hợp cán bộ sẽ rất lãng phí nguồn nhân lực của HĐND thủ đô, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Bảo đảm chất lượng ứng cử viên được quy hoạch, bố trí vào chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội cũng là vấn đề được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đặc biệt nhấn mạnh. Theo bà, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp rất cần thu hút người có năng lực về Thường trực HĐND, các Ban của HĐND. Hơn nữa, về nguyên lý, khi tiến hành giám sát, thẩm tra, thành viên Thường trực HĐND, các ban của HĐND ít nhất cần có năng lực bằng, thậm chí là phải sâu sắc hơn, có khả năng đưa ra vấn đề, tham vấn chính sách, thẩm định, trao đổi với cơ quan hành pháp để đi đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ sự phát triển của thủ đô. Tất nhiên, để thu hút được người có năng lực về các Ban của HĐND thành phố, phó trưởng Ban Công tác đại biểu lưu ý, không nên đưa ra những lý lẽ duy ý chí (đam mê, nhiệt huyết), cần nhìn trực diện vào những vấn đề căn bản (cơ chế, chính sách, điều kiện làm việc). Trước mắt, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND thành phố.

Thanh Hải