Kỷ nguyên hậu đại dịch thuộc về ai?

- Thứ Năm, 18/02/2021, 06:35 - Chia sẻ
Sau một năm thế giới sống trong bóng đen của đại dịch Covid-19, có một sự thật rõ ràng là các nước nghèo ở châu Á đã quản lý cuộc khủng hoảng y tế này tốt hơn nhiều so với những nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới như Mỹ hay châu Âu. Nhưng liệu năm 2021 có đánh dấu sự khởi đầu của một "Kỷ nguyên châu Á" hay không thì vẫn là điều còn phải xem xét.

Chính trị hay địa lý?

Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, khi Trung Quốc và một số quốc gia ở châu Á cho thấy những tiến bộ nhất định trong đối phó với đại dịch, người ta lập tức chỉ ra nguyên nhân nằm ở hệ thống chính trị. Với việc phân loại các quốc gia và phản ứng của họ dựa trên hệ thống chính trị, cho thấy rằng nguyên nhân chính đằng sau thành công của Trung Quốc là chủ nghĩa chuyên chế. Nhưng giờ đây, khi chúng ta đang ở thời điểm đầu năm 2021, rõ ràng thế giới nhận ra rằng, ranh giới thực sự không phải là chính trị mà là địa lý. Bất kể một quốc gia nào, dù là dân chủ hay đang chuyển đổi, hải đảo hay lục địa, Nho giáo hay Phật giáo, cộng sản hay tư bản, nếu quốc gia đó nằm ở Đông Á hay Đông Nam Á thì đều quản lý dịch bệnh Covid-19 tốt hơn bất kỳ quốc gia châu Âu hay Bắc Mỹ.

Mặc dù đường phân chia địa lý này không hoàn toàn chính xác là đường phân chia hai nửa bán cầu, nhưng nó đủ gần để người ta phải nhận thấy sự trùng hợp ngẫu nhiên này. Ngay cả những quốc gia châu Á kém phát triển về mặt y tế công cộng, chẳng hạn như Philippines và Indonesia, cũng có những thành tích trong kiểm soát đại dịch tốt hơn so với các quốc gia giàu có và phát triển nhất châu Âu. Nhìn vào những con số như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), và Singapore đều có tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở mức chỉ bằng 1/10 của Đức và 1/100 của Mỹ, Anh, Pháp, hay Tây Ban Nha, có thể kết luận rằng, chúng ta có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn nếu là người châu Âu hoặc Mỹ so với trường hợp là người châu Á.

Bài học về y tế cộng đồng

Các chuyên gia cho rằng, cần có sự nghiên cứu toàn diện, liên quốc gia, thậm chí liên khu vực, để giải thích những khác biệt về hiệu suất này. Để giúp tất cả các quốc gia chuẩn bị tốt cho các mối đe dọa sinh học trong tương lai, chúng ta cần đi tìm đáp án cho một số câu hỏi cụ thể. Đầu tiên là kinh nghiệm của các quốc gia này trong việc đối phó với các đại dịch quá khứ như SARS, MERS, cúm gia cầm và các đợt bùng phát dịch bệnh có ảnh hưởng như thế nào đến phản ứng của họ đối với Covid-19. Đó có phải là lý do họ có sự chuẩn bị hệ thống y tế và cũng như các chiến dịch tuyên truyền và sự hiểu biết của công chúng về dịch bệnh.

Rõ ràng, một số nước châu Á đã được hưởng lợi từ các hệ thống y tế mà họ đã thiết kế để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh lao, dịch tả, thương hàn, HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác. Ví dụ, tính đến năm 2014, Nhật Bản có 48.452 y tá y tế công cộng, 7.266 người trong số đó được làm việc tại các trung tâm y tế công cộng, nơi họ có thể được huy động nhanh chóng để hỗ trợ truy vết đối với những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Mặc dù định nghĩa nghề nghiệp có thể khác nhau, nhưng người ta có thể so sánh những con số này với những con số của Anh, nơi chỉ có 350 - 750 y tá y tế công cộng phục vụ cho 11.000 bệnh nhân vào năm 2014 (dân số Anh chỉ bằng một nửa dân số của Nhật Bản).

Thế giới cũng cần hiểu rõ hơn về tác dụng của các chính sách cụ thể mà châu Á đã áp dụng từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh, chẳng hạn như nhanh chóng đóng cửa biên giới và tạm đình chỉ du lịch quốc tế. Tương tự như vậy, một số quốc gia đã tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với những quốc gia khác trong việc bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi trong đại dịch, đặc biệt là ở các nước mà tỷ lệ người trên 65 tuổi tương đối cao như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiệu quả của truyền thông y tế công cộng cũng rất khác nhau giữa các quốc gia, và có thể sự khác biệt về gene và các chương trình tiêm chủng chống bệnh truyền nhiễm trước đây đã giúp hạn chế sự lây lan của virus corona ở một số khu vực. Với tất cả những yếu tố này cần có những nghiên cứu thực nghiệm nghiêm ngặt, mới có đủ thông tin cần thiết để chuẩn bị cho các mối đe dọa trong tương lai.

Điểm sáng kinh tế

Về mặt kinh tế, khả năng hồi phục kinh tế của châu Á nhất quán với thành công của khu vực trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Đến nay, trong khi hầu hết các nền kinh tế châu Á gần như đã khôi phục lại các hoạt động kinh tế thì phương Tây vẫn chật vật với lệnh phong tỏa phòng, chống Covid-19. Châu Á đã nổi lên như một khu vực kinh tế có độ gắn kết tương tự như Liên minh châu Âu (EU), và ngày càng “giữ khoảng cách” với các cú sốc kinh tế ở cả Mỹ và châu Âu.

Dữ liệu hàng ngày của Google về sự cơ động chỗ làm sử dụng định vị qua điện thoại thông minh để xác định số người đi làm - cho tới nay, đây là cách phản ánh chính xác nhất và cập nhật nhất về hoạt động kinh tế. Theo đó, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, và Việt Nam đều đã quay trở về với mức độ bình thường. Nhật Bản và Đức đã trở lại mức độ 20% dưới bình thường. Trong khi đó, Mỹ, Pháp, và Anh vẫn tê liệt.

Theo dự báo của của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á, sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 8% vào năm 2021, so với 3,2% của Mỹ. Các nền kinh tế tiên tiến khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản mặc dù vẫn đang gặp tình trạng suy thoái, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nền kinh tế sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại từ giữa năm 2021. Ngân hàng Phát triển châu Á kỳ vọng nền kinh tế các nước khu vực sẽ phục hồi 6,8% trong năm tới. Có thể thấy, châu Á đã trở thành tâm điểm không chỉ cho thương mại toàn cầu mà còn được đánh giá cao sẽ là khu vực phục hồi nhanh nhất trong năm 2021.

Ý nghĩa địa chính trị

Nhiều người cũng đang tự hỏi thành công tương đối của châu Á trong năm 2020 sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với việc hoạch định chính sách công và địa chính trị sau đại dịch. Nếu các nhà sử học tương lai muốn có một thời điểm chính xác cho thời điểm “Thế kỷ châu Á” bắt đầu, họ có thể muốn chọn năm 2020, giống như chủ bút người Mỹ Henry Luce đã chọn thời điểm Thế chiến thứ Hai để đặt tên cho “Thế kỷ Mỹ”.

Nhưng so sánh cụ thể cho thấy phán đoán như vậy có thể là quá vội vàng. Thực tế, nước Mỹ của Luce là một siêu cường riêng lẻ. Giành chiến thắng sau chiến tranh, Mỹ tiếp tục khẳng định và xác định kỷ nguyên của mình (trong cuộc cạnh tranh với một siêu cường khác khi đó là Liên Xô). Ngược lại, khi nói đến Thế kỷ châu Á, người ta phải hiểu nội hàm của nó sẽ bao gồm toàn bộ lục địa với nhiều quốc gia có mức độ và tốc độ phát triển không đồng đều.

Nói cách khác, nó không chỉ đơn giản là về Trung Quốc. Chắc chắn, siêu cường đang trỗi dậy này đã thành công đáng kể trong việc đối phó với đại dịch sau những thất bại ban đầu. Nhưng phạm vi khẳng định ưu thế hệ thống của Trung Quốc bị giới hạn bởi thực tế là rất nhiều quốc gia châu Á khác đã thành công không kém mà không cần sự trợ giúp của Trung Quốc.

Hơn nữa, nếu khẳng định rằng thành công trong ứng phó với đại dịch quyết định khả năng phục hồi kinh tế, thì điều này dường như không đúng với Mỹ. Trong khi Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã đánh bại phần còn lại của thế giới về tốc độ tăng trưởng GDP, thì Mỹ, trên thực tế cũng không chịu kém cạnh, bất chấp thực tế là Mỹ đã thất bại trong xử lý cuộc khủng hoảng y tế. Với dự báo tăng trưởng kinh tế giảm 3,6% trong năm, Mỹ đang ở tình trạng tốt hơn mọi nền kinh tế châu Âu, cũng như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và các nước khác ở châu Á khác. Sự khác biệt này là do so với Mỹ, nhiều nền kinh tế châu Á chịu nhiều ảnh hưởng hơn từ các biện pháp phong tỏa, điều này giống như “nhát cắt sâu” vào ngành du lịch.

Mặc dù các kết quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng của Trung Quốc tốt hơn so với phương Tây trong năm 2020, nhưng nước này đã không tìm thấy lợi thế chính trị hoặc ngoại giao từ cuộc khủng hoảng. Nếu có điều gì cần bàn đến thì đó là việc Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn đối với các nước láng giềng, đặc biệt là những xích mích trên biển. Điều này cho thấy Trung Quốc thậm chí không cố gắng xây dựng một mạng lưới bạn bè và những người ủng hộ châu Á.

Cách Trung Quốc tiếp cận vấn đề tái cơ cấu nợ quốc tế - đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường - sẽ là một thử nghiệm quan trọng vào năm 2021. Nhưng tất nhiên, Mỹ và phần còn lại của phương Tây cũng sẽ được thử nghiệm, và trên diện rộng nhiều vấn đề, từ tài chính quốc tế đến ổn định chính trị xã hội.

Có thể không còn sớm để bắt đầu tiếp thu những bài học thành công về y tế cộng đồng mà châu Á mang lại, nhưng sẽ là quá sớm để công bố thế giới bước sang một kỷ nguyên lịch sử mới - kỷ nguyên châu Á.

Quỳnh Vũ