Kỳ “sát hạch” đầu tiên

- Thứ Bảy, 08/05/2021, 06:35 - Chia sẻ
Những ngày này, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân cả nước đang bước vào kỳ “sát hạch” đầu tiên trong chặng đường trở thành đại biểu dân cử. Các ứng cử viên phải thể hiện được trình độ, khả năng và bản lĩnh của mình thông qua chương trình hành động. Đây cũng chính là cơ hội để ứng cử viên "ghi điểm" khi tiếp xúc với cử tri trong quá trình vận động bầu cử.

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, mỗi ứng cử viên đại biểu Quốc hội hay ứng cử viên Hội đồng nhân dân các cấp đều phải xây dựng cho mình một chương trình hành động để báo cáo trước cử tri. Chương trình hành động này sẽ được lưu trong hồ sơ ứng cử. Đây sẽ là cơ sở để sau này cử tri giám sát đại biểu trong quá trình hoạt động.

Để cử tri hiểu hơn về mình, cử tri có cơ sở thể hiện sự tín nhiệm qua mỗi lá phiếu bầu, mỗi ứng cử viên phải thể hiện được những “điểm mạnh” của mình qua chương trình hành động. Thông qua đó, cử tri nhận biết và có thể “chọn mặt gửi vàng” cho người đại diện.

Chương trình hành động được hiểu là một cam kết chính trị của người ứng cử khi trở thành đại biểu Nhân dân. Và cam kết ấy, sẽ theo đại biểu suốt chặng đường làm nhiệm vụ dân cử. Do đó, mỗi ứng cử viên cần có một “lối đi riêng” trong cách thể hiện chương trình hành động của mình. Chương trình hành động phải thể hiện được năng lực, thế mạnh của mỗi ứng viên. Đặc biệt, bản cam kết chính trị ấy phải tạo được niềm tin của cử tri khi mình tiếp xúc bởi những lời hứa mang tính khả thi. Do đó, trước khi đưa ra những lời hứa, ứng cử viên phải nghiên cứu thấu đáo lĩnh vực mà mình và cử tri quan tâm. Lời hứa không phải là để lấy lòng mà phải “trong tầm tay” hành động của ứng cử viên. Bởi không ai khác, cử tri là người sẽ giám sát đến cùng lời hứa của ứng cử viên nếu người đó được trúng cử.

Nhớ lại cảm xúc của mình khi ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội Khóa XIII Đoàn Thị Thùy Trang (TP. Hồ Chí Minh) từng chia sẻ, lần đầu chị trình bày chương trình hành động, cử tri đã nói ngay “chúng tôi sẽ giữ chương trình hành động này và xem sau 5 năm các ông, bà thực hiện chương trình hành động này đến đâu”. Với chị, đây là động lực hoạt động, là kỷ niệm sâu sắc, là trách nhiệm rất cao của cử tri. Cử tri nhận thức rất rõ, vai trò của mình là giám sát chính đại biểu mà mình đã bầu ra.

Tính đến thời điểm này, với những địa phương chưa có dịch diễn biến phức tạp, có nhiều ứng cử viên đã có cơ hội được trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri. Là người ứng cử ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc trong chương trình hành động của mình đã cam kết, nếu được cử tri tín nhiệm sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân. Đồng thời, ông cũng sẽ thực hiện đúng các quy định và làm tròn trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, gắn bó với cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh kịp thời với Quốc hội và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, ông quan tâm đến gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn… Còn ứng cử viên Nguyễn Minh Trí, trước cử tri, ông cam kết, với cương vị là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông sẽ tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm; Xử lý nghiêm kẻ có hành vi gian dối, vi phạm pháp luật, bảo vệ người làm ăn chân chính và Nhân dân; xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng, góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội và củng cố lòng tin của người dân… Mỗi ứng cử viên ở mỗi lĩnh vực khác nhau, những lời hứa, cam kết cũng khác nhau. Điều quan trọng là, cử tri cảm nhận được tính khả thi sau mỗi lời cam kết của ứng cử viên.

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, nhiều ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội và trong quá trình hoạt động được cử tri đánh giá cao bởi chương trình hành động của họ là một sự nhất quán giữa lời hứa và hành động. Và đó thực sự là những đại biểu để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và Nhân dân.

Chương trình hành động dù chỉ là những cam kết bước đầu của ứng cử viên, nhưng đó cũng là kỳ “sát hạch” đầu tiên, là cơ hội ghi điểm của các ứng viên khi cử tri quyết định lựa chọn lá phiếu tín nhiệm.

Để có được tấm vé đi tiếp, các ứng cử viên phải rất thận trọng, kỹ lưỡng khi đưa ra lời hứa với cử tri. Nói như nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu, các ứng cử viên tránh “hứa suông”, “hứa nhiều” hơn khả năng có thể thực hiện.

Hà An