Kỳ thị - vấn nạn khác của đại dịch

- Thứ Năm, 20/05/2021, 05:12 - Chia sẻ
Quốc hội Mỹ vừa thông qua dự luật mới chống tội ác thù hận trong đại dịch, nhằm đối phó với sự gia tăng hành vi bạo lực đối với người Mỹ gốc Á. Hiện dự luật đã được chuyển đến Tổng thống Joe Biden để ký phê chuẩn vào ngày 20.5.

Bảo vệ người Mỹ gốc Á

Dự luật về tội kỳ thị trong đại dịch Covid-19 được thông qua hôm 18.5 với 364 phiếu thuận và 62 phiếu chống, tất cả phiếu chống đều của đảng Cộng hòa. Tháng trước, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật với tỷ lệ 94-1, đồng thời tái khẳng định cam kết chống lại thù hận, cố chấp và bạo lực chống lại cộng đồng người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương (AAPI). Các nỗ lực thông qua dự luật trên diễn ra sau vụ xả súng đẫm máu tại một số cơ sở chăm sóc sắc đẹp tại Atlanta, bang Georgia, tháng 3 vừa qua, khiến 8 người thiệt mạng, gồm 6 phụ nữ gốc Á. Vụ xả súng này diễn ra sau hàng loạt vụ việc liên quan đến phân biệt và bạo lực đối với người gốc Á trên khắp nước Mỹ, gây ra sự phẫn nộ trong dư luận.

Nguồn: ITN

Tình trạng gia tăng ca mắc Covid-19, mà những trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc, là nguyên nhân của làn sóng tấn công vào người Mỹ gốc Á. Các đảng viên đảng Dân chủ chỉ ra rằng, việc cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên sử dụng các cụm từ phân biệt chủng tộc như “kung flu” để mô tả virus Corona đã làm tăng hận thù chống người châu Á.

Dự luật mới được thông qua do Hạ nghị sĩ Dân chủ Grace Meng, bang New York và Thượng nghị sĩ Dân chủ Mazie Hirono, bang Hawaii, đệ trình, hướng dẫn Bộ Tư pháp chỉ định một công chức chính để xúc tiến việc xem xét các tội ác thù hận liên quan đến Covid-19. Dự luật cũng mở rộng nỗ lực giúp việc báo cáo tội ác thù địch dễ tiếp cận hơn ở cấp địa phương và tiểu bang, bao gồm cung cấp các nguồn báo cáo trực tuyến có sẵn bằng nhiều ngôn ngữ. Cụ thể, dự luật cung cấp nguồn tài trợ cho các bang để thiết lập đường dây nóng báo cáo tội ác thù hận; đào tạo cơ quan thực thi pháp luật về cách ngăn chặn cũng như xác định tội phạm thù địch; chỉ đạo các cơ quan liên bang làm việc với các tổ chức cộng đồng để giúp nâng cao nhận thức về tội ác thù hận trong đại dịch…

Hành động mang tính lịch sử của Quốc hội

Theo bà Meng, cộng đồng người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt với “đại dịch bổ sung: virus của sự thù hận và cố chấp”. Vì vậy, “Dự luật chống tội ác thù hận trong đại dịch Covid-19 là bước cần thiết để đối phó với đại dịch phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử lần thứ hai. Chúng ta không thể hàn gắn những gì chúng ta không đo lường được”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ca ngợi dự luật là “văn bản quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và đang gia tăng này”. Bà phát biểu: “Dự luật về tội ác hận thù trong đại dịch Covid-19 sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của chúng ta trước mọi bạo lực chống AAPI, tăng tốc phản ứng của chúng ta đối với tội phạm hận thù, hỗ trợ chính quyền bang và địa phương khi họ cải thiện báo cáo, đồng thời bảo đảm rằng họ có thông tin tội phạm và nó dễ tiếp cận hơn cho cộng đồng người Mỹ gốc Á”.

Hạ nghị sĩ Judy Chu, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương tại Quốc hội, hoan nghênh dự luật, bởi “nó cho thấy thảm kịch bạo lực chống người châu Á xảy ra gần như hàng ngày đã khiến quốc gia chúng ta phải hành động như thế nào”.

Hạ nghị sĩ Meng trấn an cộng đồng người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương rằng, “một năm sau khi cộng đồng người Mỹ gốc Á kêu cứu, Quốc hội đã thực hiện hành động lịch sử để thông qua dự luật về tội ác hận thù vốn được chờ đợi quá lâu và gửi tới bàn của Tổng thống Biden”.

“Những người gốc Á bị đổ lỗi và làm vật tế thần cho sự bùng phát của đại dịch Covid-19, và kết quả là, người Mỹ gốc Á đã bị đánh, chém, nhổ nước bọt, thậm chí bị phóng hỏa hay giết chết”, bà nói. “Cộng đồng người Mỹ gốc Á đang kiệt sức vì buộc phải chịu đựng sự gia tăng của các cuộc tấn công cố chấp và phân biệt chủng tộc. Người Mỹ gốc Á cảm thấy mệt mỏi khi sống trong lo lắng và sợ hãi khi con cái hoặc cha mẹ già khi đi ra ngoài”.  

Thực tế, cộng đồng này đã trải qua sự gia tăng đáng kể về số lượng tội phạm thù địch trong năm qua. Tổ chức Stop AAPI Hate ghi nhận 6.603 vụ tấn công thù hận từ tháng 3.2020 - 3.2021, thậm chí các nhà lãnh đạo tổ chức này cho biết con số thực sự cao hơn nhiều vì nhiều vụ không được báo cáo. Gần 2/3 trong số đó nhắm đối tượng là phụ nữ. Các hình thức kỳ thị gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, hay vi phạm quyền công dân.

Bà Chu cũng lưu ý đến những thiệt hại nặng nề mà nạn gia tăng tội ác thù hận gây ra đối với sức khỏe tinh thần của cộng đồng. “Bạn cảm giác như thế nào khi mở tờ báo mỗi ngày và thấy rằng một người Mỹ gốc Á khác bị hành hung, tấn công và thậm chí bị giết?" - bà đặt câu hỏi. “Bạn bắt đầu nghĩ, vậy thì, tôi có là người tiếp theo hay không?".

Trong khi đó, ông Varun Nikore, Giám đốc điều hành của Liên minh Chiến thắng AAPI, đánh giá, “dự luật thể hiện bước đầu tiên đúng hướng khi chúng ta nỗ lực khôi phục lòng tin và chấm dứt tội ác thù hận đối với người châu Á”.

Ngọc Minh