Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2021)

Kỷ vật đi B của cha tôi

- Thứ Hai, 26/07/2021, 06:37 - Chia sẻ
Một ngày cuối đông năm nay, cậu em họ tên Khải ở quê, làm Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, gọi điện báo huyện Mỹ Lộc muốn mời đại diện gia đình về để trao lại kỷ vật đi B của cha tôi. Tôi ngạc nhiên vì lúc ông “đi B” năm 1965 thì bà nội ở với chúng tôi ở Hà Nội, nếu có kỷ vật gì quan trọng ông đã để lại gia đình.
Hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B của cha chúng tôi
Hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B của cha chúng tôi

Tài liệu mà anh em chúng tôi nhận được trong túi Hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B của cha chúng tôi thuộc Phông lưu trữ số HC11, thời hạn bảo quản vĩnh viễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, số hồ sơ là 22910. Trên túi hồ sơ ghi rõ tên cha chúng tôi là Trần Văn Cấp, bí danh Trần Anh Liên.

Bên trong túi hồ sơ là Bản nhận xét của Đảng đoàn Công đoàn thuộc Thành ủy Hà Nội số 17/ĐĐ-CĐ ngày 19.11.1963 đối với đồng chí Trần Anh Liên, khi đó vừa phụ trách công tác ở Liên hiệp Công đoàn vừa phải làm công tác Thường trực của Thành ủy. Tiếp đó là Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng chuyển A13, giới thiệu ông tiếp tục sinh hoạt tại Chi bộ Trường Nguyễn Ái Quốc đề ngày 25.9.1963. Tới ngày 6.5.1965, Ban Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc của Đảng Lao động Việt Nam chuyển ông tới Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương, giấy chuyển do ông Nguyễn Vịnh, thay mặt Ban Giám đốc ký. Cuối cùng là Giấy giới thiệu số 2688 G.T/S.H.Đ chuyển cha chúng tôi tới sinh hoạt tại cơ quan Ban Tổ chức Trung ương ngày 11.5.1965. Tài liệu thứ 3 trong hồ sơ kỷ vật cán bộ đi B là Phiếu chuyển Đảng tịch của Đảng viên Trần Anh Liên.

Đọc hồ sơ này, chúng tôi hiểu là từ sau ngày 11.5.1965, cha tôi đã bước vào hoạt động bí mật tại mặt trận B5, phía Nam vĩ tuyến 17, gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế. Chắc là để dễ bề làm mất dấu ông  Hà Nội, Trung ương đã đưa cha tôi từ hoạt động công khai vào Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc học tập, rồi từ đó đi B.

Ngày đó, mẹ tôi mới 35 tuổi, tôi 8 tuổi, chú em thứ hai tên Trần Văn Lý 6 tuổi (sau này là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và chú út tên Trần Văn Hùng mới 3 tuổi (sau này là công an thành phố Hà Nội). Vậy mà ông đã bỏ lại gia đình, mẹ già, vợ trẻ, con thơ và cuộc sống thanh bình, đầy đủ tại Thủ đô để đi vào nơi bom rơi, bão lửa và có thể sẽ không bao giờ trở về. Mẹ tôi kể, vì cha tôi đi biền biệt, xuyên suốt cuộc chiến, không về thăm nhà lần nào, nên có lần, thấy ảnh ông chống gậy đứng trong rừng ở chiến khu, bà nội nói với mẹ tôi: Chắc nó bị thương gãy chân rồi nên không dám về nhà nữa.

	Một cuộc họp ở chiến khu sau Mậu Thân 1968. Ông Trần Anh Liên ngồi giữa, dãy bên trái
Một cuộc họp ở chiến khu sau Mậu Thân 1968. Ông Trần Anh Liên ngồi giữa, dãy bên trái

Ông ở chiến trường 10 năm, từng là Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Huế. Sau giải phóng ông còn tham gia Tỉnh ủy Bình Trị Thiên rồi mới ra lại Hà Nội. Theo hồi ký của ông Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (1990 - 1996), trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968, ông là Chính ủy cánh Bắc đánh vào thành phố Huế, cùng tham gia cánh Bắc Huế có ông Lê Khả Phiêu, khi đó là Chính ủy Trung đoàn 9 được Bộ Quốc phòng phái vào tăng cường.

Theo sử sách, từ cuối năm 1959, hàng chục nghìn cán bộ bí mật vào Nam chiến đấu (gọi là “đi B”). Ngày lên đường vào Nam, họ để lại tư trang, hành lý, giấy tờ cá nhân tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ, nay đã trở thành hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B.

Ông Hoàn nhớ lại: “Anh Văn (bí danh của cha tôi trong chiến tranh) là một người sống lâu ở Hà Nội. Là một kỹ sư, đồng thời là một cán bộ lãnh đạo, anh có lối làm việc khoa học và cách đối xử rất “Hà Nội”, rất “trí thức”… Nguyên là Phó Bí thư Hà Nội cũ, anh không bỏ sót một tin tức gì về Hà Nội…” (Trần Hoàn, Những kỷ niệm khó quên, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 1998, trang 249, 250). Đó là điều chắc chắn rồi vì Hà Nội là nơi bà nội, mẹ và chúng tôi đang ngày đêm sống dưới bom đạn của chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Tới tận bây giờ, mỗi khi về thăm chiến trường xưa của cha mình, anh em chúng tôi lại đến thăm các đồng chí, đồng đội của ông ngày đó. Mọi người ở Thừa Thiên Huế vẫn nhớ tới ông. Một con phố ở phường An Đông, thành phố Huế mang tên Trần Anh Liên, luôn là niềm tự hào của đám con, cháu, chắt chúng tôi về người cha, người ông, người cụ của mình.

Nhìn dòng chữ thời hạn bảo quản vĩnh viễn trên túi hồ sơ, chúng tôi hiểu rằng tên tuổi ông và các đồng chí của mình đã được lịch sử nước nhà ghi nhận. Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, hơn 7 vạn hồ sơ cán bộ đi B đang được lưu giữ. Đây là nguồn sử liệu độc đáo, vô giá về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc gắn với số phận của hàng vạn con người tình nguyện lên đường đi cứu nước, mà nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường xa.

Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII