Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế

Kỳ vọng Chính phủ có gói kích cầu lớn hơn

- Thứ Tư, 22/09/2021, 05:47 - Chia sẻ
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách kỳ vọng Chính phủ có gói kích cầu, gói hỗ trợ lớn hơn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và sự ra đời của các hoạt động kinh tế mới; từ đó tạo sự phát triển vượt bậc, phục hồi tốt hơn sau đại dịch.

Duy trì sản xuất ngay cả ở vùng có dịch

- Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch, kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. Quan điểm của ông thế nào?

- Dịch lần thứ 4 kéo dài và tập trung ở các vùng trọng điểm của nền kinh tế nước ta đã để lại hậu quả rất nặng nề cả về người và kinh tế. Xét về tiềm lực, nền kinh tế nước ta có nguồn dự trữ không nhiều, trong khi đó cần xác định chống dịch còn lâu dài. Vì vậy, phải sớm có biện pháp đưa hoạt động kinh tế trở lại, từ đó mới duy trì được nguồn lực để chống dịch thành công.

Tôi rất đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng cần phải thay đổi chiến lược để phòng chống dịch. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch, không thể cách ly, phong tỏa mãi chờ loại trừ hoàn toàn dịch mới tiến hành sản xuất như trước. Thay vào đó, phải đưa ra các phương án sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh có dịch để có biện pháp chủ động phòng chống và xử lý dịch an toàn.

- Theo ông, chúng ta phải sống chung với Covid-19 ra sao?

- Một mặt, chúng ta vẫn phải kiểm soát dịch một cách chủ động, kịp thời, quyết liệt không để dịch lan tràn. Khoanh vùng thật chặt, thật nhanh để ngăn cách điểm có dịch. Mặt khác, vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất ngay cả ở vùng có dịch nhưng không phải điểm dịch. Ví dụ, trong 1 nhà máy có dịch thì phân xưởng có F0 bị đình trệ còn phân xưởng khác vẫn sản xuất.

Cùng với đó, phải cho phép lưu thông hàng hóa an toàn có kiểm soát. Hệ thống giao thông là huyết mạch của nền kinh tế vì vậy không được gây ách tắc ở bất kể vùng nào. Kể cả ở vùng có dịch cũng phải lưu thông hàng hóa thông suốt. Kiểm soát vùng dịch là kiểm soát dịch chứ không phải ngăn chặn hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa.  

Cần đưa khái niệm “vùng an toàn”, “sản xuất an toàn” và phát triển vùng an toàn vào trong thực tiễn. Không nên quan niệm chỗ không có dịch mới được sản xuất như trước. Thay vào đó, phải hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh thích ứng với dịch chứ không phải mô hình sản xuất, kinh doanh không có dịch.

Nguồn: ITN

Ưu tiên mở lại hoạt động xây dựng

- Theo ông, chúng ta có thể trông chờ vào những động lực quan trọng nào cho tăng trưởng trong điều kiện mới này?

- Có 4 động lực rất quan trọng cần phải tập trung đẩy mạnh.

Đầu tiên, kinh tế thế giới đang có xu thế phục hồi, nhiều nước đã mở cửa, vì vậy thị trường thế giới đang mở ra rất lớn. Trong khi đó, cả năm 2020 Việt Nam kiểm soát dịch tốt nên đã có rất nhiều nguồn cung của thế giới và đang trong đà bắt mạch được thị trường thế giới. Nếu giai đoạn này chúng ta tiếp tục bắt nhịp được đà phục hồi thì đây là cơ hội khá tốt để thúc đẩy kinh tế.

Cùng với đó là đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước. Năm 2020, trong khi kinh tế thế giới phải đóng cửa, thị trường thế giới bị thu hẹp thì kinh tế nước ta phát triển được là nhờ có thị trường trong nước tốt. Năm nay, dịch phát triển rất mạnh khiến thị trường trong nước bị trì hoãn nên giai đoạn tới phải phát triển và giữ được thị trường này.

Tiếp đến, nông nghiệp là bệ đỡ rất quan trọng của kinh tế nước ta. Sản xuất nông nghiệp hầu như bị ảnh hưởng rất ít từ đại dịch. Việt Nam có nhiều sản phẩm có thể tham gia vào thị trường xuất khẩu nên phải đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp để tiếp cận được với thị trường thế giới.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh đến đầu tư công. Đây được coi là yếu tố tăng kích cầu cho nền kinh tế. Tăng đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, tạo ra cơ hội rất lớn để thu hút các đầu tư tư nhân. Vì vậy, thời gian tới phải đẩy mạnh đầu tư công.

- Hết tháng 8, giải ngân đầu tư công mới đạt 40,6% kế hoạch vốn. Làm thế nào để đẩy mạnh động lực này, thưa ông?

- Từ đầu năm tới nay, giải ngân vốn đầu tư công chậm một phần do dịch kéo dài. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh, ngành xây dựng tác động rất mạnh mẽ tới giải ngân đầu tư công. Vì vậy thời gian tới cần ưu tiên mở lại hoạt động này đầu tiên. Lĩnh vực này ít bị tác động của dịch vì công trường, địa bàn xây dựng thường tách biệt với khu dân cư và trung tâm thương mại kinh tế; lại là không gian ngoài trời nên mức độ lây lan dịch bệnh rất hạn chế.

Ngoài đẩy mạnh các động lực trên, tôi rất kỳ vọng Chính phủ sẽ có gói kích cầu lớn hơn để thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự ra đời của các hoạt động kinh tế mới, từ đó tạo sự phát triển vượt bậc, phục hồi tốt hơn sau đại dịch.

- Xin cảm ơn ông!

Tuệ Anh