Kỳ vọng cơ chế đột phá cho công nghiệp điện ảnh

- Thứ Ba, 30/11/2021, 15:24 - Chia sẻ
Điện ảnh được xem xét dưới nhiều góc độ: Ngành giải trí gắn với yếu tố kinh tế, ngành nghệ thuật gắn với yếu tố tuyên truyền... Do đó, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có các quy định mang tính chất đột phá cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân, quảng bá đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời mang lại giá trị kinh tế.

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2021 của Đề tài cấp bộ “Pháp luật về điện ảnh Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, sáng 30.11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức hội thảo “Thực trạng pháp luật về điện ảnh và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Điện ảnh”. 

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Hội thảo

Luật Điện ảnh được Quốc hội ban hành năm 2006, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động điện ảnh phát triển, thu được những thành tựu nhất định, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. 

Những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa nhằm đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tác động làm thay đổi từ phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến nhu cầu, cách tiếp cận, hưởng thụ tác phẩm điện ảnh của người dân. 

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm phát triển điện ảnh

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng: Thực tế đó đòi hỏi sửa đổi Luật Điện ảnh một cách toàn diện nhằm luật hóa chủ trương của Đảng, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh phù hợp thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam. 

Tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến và nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý với mong muốn Luật Điện ảnh được sửa đổi toàn diện, có tầm nhìn xa hơn, tạo hành lang pháp lý để phát triển nền công nghiệp điện ảnh. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 6.2022). 

Hội thảo thu hút sự góp ý của nhiều chuyên gia trong ngành

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), tại hội thảo các chuyên gia tập trung trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; đổi mới trong quản lý điện ảnh của Việt Nam; cơ chế xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động điện ảnh; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh; bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh; hoạt động phát hành phim, phổ biến phim, lưu trữ phim; quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; kinh nghiệm xây dựng pháp luật về điện ảnh ở các nước trong khu vực và trên thế giới...

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Khóa XIV Hoàng Thị Hoa cho rằng: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng tạo bước đột phá cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, hòa nhập nhưng vẫn giữ bản sắc. 

Ng. Phương