Kỳ vọng Quốc hội có những quyết sách phục hồi kinh tế

- Thứ Tư, 20/10/2021, 06:44 - Chia sẻ
Hôm nay Khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, các chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng, Quốc hội sẽ có những quyết sách “trúng” và “đúng” xác định được những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, giúp doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục lại sản xuất và lưu thông hàng hóa một cách bình thường.

Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, TS. CẤN VĂN LỰC:

Tạo đột phá trong tái cơ cấu kinh tế

Mặc dù chương trình được rút gọn nhưng tôi kỳ vọng vào một kỳ họp chất lượng, một Quốc hội chủ động, đồng hành với Chính phủ giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, tạo nền tảng phát triển trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất nặng nề tới nền kinh tế, Quốc hội cần bàn kỹ hơn chuyện phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn tới. Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cần có những quyết định tạo đột phá và thực chất hơn nữa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế để huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Đồng thời, giải quyết triệt để những rào cản, thiếu sót lâu nay liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, dự án thua lỗ, một số ngân hàng yếu kém và phải đặt ra mục tiêu, giải pháp cụ thể để giải quyết những tồn đọng đó.

Chuyên gia kinh tế, TS. LÊ DUY BÌNH:

Cải cách thể chế phải mạnh mẽ hơn

Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh bước đầu được kiềm chế. Đến giờ, nền kinh tế và thể chế nước ta đã bộc lộ rõ điểm mạnh và điểm yếu. Quốc hội cần có những quyết sách “trúng” và “đúng” xác định những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, giúp doanh nghiệp và người dân nhanh chóng quay lại cuộc sống kinh doanh bình thường.

Tôi được biết Quốc hội có thể sẽ cân nhắc một gói cấp bù lãi suất để giúp người dân và doanh nghiệp giải quyết được khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề dòng tiền. Gói hỗ trợ này cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Quan trọng nhất vẫn là tháo gỡ những khó khăn, rào cản, vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải để nền kinh tế tự thoát ra khỏi khó khăn hiện nay. Từ những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế, cần cải cách mạnh mẽ về thể chế, về cách thức điều hành, quản trị kinh tế, quản trị xã hội trong bối cảnh mới, từ đó giúp nền kinh tế có sức chống chịu cao hơn. Đồng thời, có những điều chỉnh về pháp luật để tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn trong trung và dài hạn.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam VŨ ĐỨC GIANG:

Quốc hội cần giám sát các chương trình hỗ trợ

Dù nghị quyết của Chính phủ xác định sống chung với Covid-19 nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thực sự mở cửa. Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề này để nền kinh tế sớm phục hồi.

Các chính sách hỗ trợ thời gian qua chưa bắt kịp xu thế. Ngành dệt may mong muốn cơ chế, chính sách dài hạn hơn để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất. Chẳng hạn, giờ làm thêm phải bỏ trần 40 giờ/tháng, nới rộng 400 giờ/năm và nên kéo dài tới năm 2024. Quy định này cần được phê duyệt ngay để bảo đảm tính pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và người lao động cũng có thêm thu nhập.

Ngoài ra, cần có cơ chế giãn nợ cho tất cả ngành công nghiệp trong cả nước thay vì chỉ tập trung vào một số địa phương bị dịch bệnh. Chi trả về bảo hiểm thất nghiệp cần phải được mở rộng và kéo dài hơn. Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Các chính sách cần nhìn một cách dài hạn và trung hạn để mang lại tính ổn định. Đặc biệt, Quốc hội cần tiến hành giám sát việc thực thi các chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương.

Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam NGUYỄN CÔNG HOAN:

Mong đợi gói kích cầu tiêu dùng

Thời gian qua, những chính sách hỗ trợ chỉ mang tính tức thời, an sinh xã hội tại chỗ, mà chưa có một định hướng khôi phục nền kinh tế, trong khi hỗ trợ doanh nghiệp phải mang tính quá trình. Vì vậy, Quốc hội nên bàn luận và quyết những chính sách mang tính dài hạn hơn.

Đối với ngành du lịch nói riêng, việc khôi phục cần hai gói hỗ trợ. Một là, gói hỗ trợ tài chính doanh nghiệp bằng việc cơ cấu giãn nợ, cho doanh nghiệp vay trong trung hạn để có nguồn lực sản xuất kinh doanh. Hai là, tập trung kích cầu tiêu dùng, kích thích sử dụng dịch vụ của người dân hơn thì mới có thể cứu ngành du lịch. Doanh nghiệp du lịch cần khách hàng, cần thị trường, nếu chỉ cho tiền mà không tạo ra thị trường thì không thể làm được.

Ngoài ra, ngành dịch vụ du lịch cũng cần duy trì những hoạt động chi tiêu công trong lĩnh vực dịch vụ như tổ chức sự kiện, hội thảo, nếu cắt hết các hoạt động này có nghĩa cắt luôn doanh thu của ngành dịch vụ du lịch.

An Thiện