Lai Châu tập trung phát triển cây dược liệu

- Thứ Ba, 01/12/2020, 14:29 - Chia sẻ
Là địa phương có trên 850 loài cây dược liệu khác nhau, trong đó nhiều loại dược liệu có giá trị nhưng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, Lai Châu đang tập trung bảo tồn và phát triển theo hướng bài bản để tạo ra nguồn lực thực sự cho lĩnh vực tiềm năng này...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, Lai Châu được đánh giá là tỉnh có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại lẫn công dụng như: sâm Lai Châu, lan kim tuyến, bảy lá một hoa, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ… Các loại dược liệu phát triển tập trung đang được khai thác với trữ lượng lớn như thảo quả, sơn tra, gừng, nghệ tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu.

Cây sa nhân Lai Châu được thương lái thu mua tại chỗ
Cây sa nhân Lai Châu được thương lái thu mua tại chỗ

Theo báo cáo mới nhất của ngành nông nghiệp, cây sơn tra được thực hiện theo đề án của tỉnh và người dân tự trồng tại các huyện, thành phố với diện tích trên 1.700ha. Cây sả trồng tại các xã vùng cao huyện Mường Tè với diện tích trên 400ha. Lai Châu còn có một số cây thuốc khác như: bách bộ, huyết giác, kê huyết đằng, xuyên khung…

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt do cây dược liệu nuôi trồng chưa được định hướng, thiếu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý hoặc phát triển một cách tự phát, mất cân đối. Việc thu hái, khai thác mang tính tận diệt, làm giảm nhanh số lượng, thành phần các loài cây dược liệu quý. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đảm bảo nguồn cung cấp và phát triển diện tích một số cây dược liệu quý, đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa thì việc xây dựng một Đề án bài bản là hết sức cần thiết.

Với quan điểm hỗ trợ triển khai một số cây dược liệu tại một số điểm nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu theo hướng tập trung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng khẳng định, phát triển dược liệu phù hợp với vùng sinh thái, trên cơ sở sử dụng hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội gắn với bảo tồn, quản lý, khai thác, sử dụng, chế biến nguồn dược liệu. Chú trọng phát triển các loài dược liệu quý để tạo lợi thế so sánh, lợi thế kinh tế...

Theo đó, nhiệm vụ thực hiện là bảo tồn, xây dựng mô hình, hoàn thiện quy trình, nhân giống một số cây dược liệu quý hiếm. Thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống dược liệu. Thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dược liệu Lai Châu…

Các nhà khoa học, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này cũng được định hướng tập trung vào phát triển cây dược liệu; công tác khai thác, nhân giống, bảo tồn nguồn gen; xây dựng cơ sở dữ liệu dược liệu; xây dựng trung tâm bảo tồn nghiên cứu phát triển giống cây dược liệu quý hiếm; cơ chế chính sách hỗ trợ, việc đặt hàng với các nhà khoa học để nghiên cứu, chế xuất ra sản phẩm dược liệu…

Nam Anh