Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Làm cho ý Đảng hợp với lòng dân

- Thứ Tư, 28/10/2020, 21:13 - Chia sẻ
Các ý kiến đóng góp sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đây là nhấn mạnh của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện trình Đại hội do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay, 28.10, tại Hà Nội.

Vì sao văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế?

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 7 hội đồng tư vấn về các lĩnh vực: Dân chủ - Pháp luật; Văn hóa - Xã hội; Khoa học, Giáo dục và Môi trường; Kinh tế; Dân tộc; Tôn giáo; Đối ngoại và Kiều bào. Các hội đồng đã giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý kiến với Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, những vấn đề về đời sống nhân dân. Tham gia phản biện nhiều dự thảo văn bản luật mang lại hiệu quả thiết thực.

Toàn cảnh hội nghị

Việc tham gia ý kiến của các đồng chí với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Đóng góp ý kiến về lĩnh vực văn hóa, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội cho rằng, các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nội dung đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên vẫn còn quá dài, dàn trải và không làm nổi bật được đâu là nội dung quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2021-2025. Bởi vậy, báo cáo cần có cách tiếp cận mới coi việc lãnh đạo toàn diện của Đảng là đương nhiên, từ đó nêu một cách cụ thể, sâu đậm những vấn đề trọng tâm nhất, cần thiết nhất phải giải quyết trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội phát biểu tại hội nghị 

Cũng theo TS Nguyễn Viết Chức, những hạn chế, yếu kém trong báo cáo chính trị đã được chỉ ra khá nghiêm khắc và chính xác, đó là “văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có xu hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”. Cho rằng, nhận định này đúng nhưng không mới vì đã được đề cập đến nhiều, nguyên nhân hạn chế lại chung cho các hạn chế, yếu kém của nhiều lĩnh vực nên không sát thực với hạn chế yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, TS Nguyễn Viết Chức nhận xét.

“Tại sao Nghị quyết Trung ương đã chỉ rõ văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển… nhưng vẫn chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị”? Đặt vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức muốn nhấn mạnh, kinh tế đi trước nhưng không có nghĩa là quên đi văn hóa, mà văn hóa phải đi liền theo, không để tình trạng đầu tư cho văn hóa không tương xứng với đầu tư cho kinh tế như nhiều ý kiến nhận xét hiện nay.

Điều mà TS Nguyễn Viết Chức tâm đắc nhất đó là dự thảo đặt vấn đề xây dựng con người Việt Nam lên hàng đầu và yêu cầu khá cụ thể việc xây dựng hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam. Cái lớn nhất, cái bao trùm nhất của văn hóa là con người. Con người sáng tạo ra văn hóa và chính văn hóa lại tác động để hình thành nhân cách và phẩm giá con người. “Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lũ lụt miền Trung đến như vậy có phải do con người tác động không?, TS Nguyễn Viết Chức đặt vấn đề.

Trên cơ sở tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới, dự thảo Văn kiện cần diễn đạt lại phần đề cập về văn hóa, cả cách đặt vấn đề, nội dung và cấu trúc. Bởi, quan điểm của Đảng về văn hóa hoàn toàn đúng đắn, có tính xuyên suốt các thời kỳ cách mạng Việt Nam, vấn đề là giải pháp để thực hiện có hiệu quả. “Đổi mới cần cách nhìn mới, tư duy và hành động mới, nhưng không thể không bài bản không hệ thống, thấy gì làm nấy lợi sẽ bất cập hại và hậu quả khôn lường nhất là trong lĩnh vực văn hóa”, TS Nguyễn Viết Chức đặc biệt nhấn mạnh.

Chủ nghĩa quan liêu - gốc của tham nhũng  

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm đó là làm cách nào để phòng chống tham nhũng hiệu quả. PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu. Bởi, chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí, xa dân, thói đặc quyền, đặc lợi. Đó là miếng đất dung dưỡng nạn tham nhũng lãng phí. Bên cạnh đó, trong cuộc chống tham nhũng cần kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn, nhưng không xem nhẹ chống tham nhũng “vặt”.

PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường phát biểu tại hội nghị

Nhấn mạnh, tuy là tham nhũng “vặt”, nhưng ảnh hưởng nhức nhối đối với cuộc sống hàng ngày của người dân và lòng tin của họ không hề nhỏ, nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả sẽ lớn. “Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý”, ông Trần Hậu đặt vấn đề.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào Phạm Xuân Sơn cho rằng: cần phải có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các đại hội lần trước cũng đã nhận diện ra nguy cơ tham nhũng. Mặc dù đến nay chúng ta chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa hoặc là ngăn chặn triệt để tệ nạn này, chưa thể làm cho những người những người thoái hóa “không dám tham nhũng”, “không muốn tham nhũng” và “không thể tham nhũng”.

Cũng theo ông Sơn, trong phần dự thảo báo cáo chính trị có đưa nội dung chống tham nhũng vào một mục trong công tác xây dựng Đảng nhưng theo ông Sơn, nội dung còn “mờ nhạt”, trong khi dư luận rất quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng, chống quốc nạn này. Mọi người đều mong muốn là công tác chống tham nhũng được tiếp tục triển khai triệt để hơn trong thời gian tới. Mong muốn những người có bản lĩnh có trí tuệ, có đạo đức liêm khiết, kiên quyết kiên trì chống tham nhũng nên tiếp tục sự nghiệp này, ông Phạm Xuân Sơn nói.

GS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu tại hội nghị 

Ở một góc nhìn khác, GS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, để chống tham nhũng thành công, có 2 giải pháp cần phải làm tốt hơn là kiểm soát kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mỗi người cần có một tài khoản ngân hàng và tất cả các giao dịch trên 5 triệu đồng đều phải thực hiện qua ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp để những tội phạm tham nhũng không thể tẩu tán tài sản tham nhũng, đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước, GS. Phan Trung Lý nói.

Hà An