Làm rõ khả năng giải ngân đầu tư công

- Thứ Tư, 28/07/2021, 06:00 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH quan tâm tới tình hình giải ngân vốn đầu tư công quá chậm trong nửa đầu năm. Từ góc độ cơ quan kiểm soát chi, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án đã được giao kế hoạch vốn; có khối lượng hoàn thành và kịp thời lập hồ sơ thanh toán để kho bạc giải ngân.
Cán bộ Kho bạc Nhà nước Gia Lai xử lý chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến
Ảnh: Sơn Ca

Hai khó khăn lớn

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (34%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%.

Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra chỉ rõ, tiến độ các dự án giao thông quan trọng đang có vấn đề. Dự án cao tốc Bắc - Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn vật liệu phục vụ thi công, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tiến độ. Có khả năng dự án phải kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu hoàn thành trong năm 2022 và 2023.

“Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đến tiến độ hoàn thành các dự án mà còn tăng áp lực nợ công lên Nhà nước”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) nói trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.

Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), giải ngân vốn đầu tư công đang vấp phải 2 khó khăn lớn. Thứ nhất, dịch bệnh bùng phát khiến các dự án đình trệ và không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán, nhất là dự án gắn với yếu tố nước ngoài. Thứ hai, giá cả nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm đấu thầu, ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của các nhà thầu và nghiệm thu thanh toán.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, giải ngân chưa đạt yêu cầu còn do nhiều vướng mắc từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm như công tác giải phóng mặt bằng. Kỷ luật đầu tư công chưa nghiêm, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn chưa bám sát nguyên tắc, tiêu chí dẫn đến phải điều chỉnh lại phương án phân bổ. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp một phần do xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, một phần do tâm lý ngại giải ngân, thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu.

Sớm phân bổ hết kế hoạch vốn

Dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2021. Đây rõ ràng là thách thức lớn trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng và diễn biến đặc biệt phức tạp ở khu vực phía Nam. Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần đánh giá khả năng hoàn thành và gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, với quyết tâm giải ngân 100% vốn, giải pháp cắt giảm, thu hồi vốn của các bộ, các địa phương làm chưa tốt, để bổ sung cho đơn vị làm tốt mà Chính phủ đề ra rất đúng đắn. ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương đề xuất Chính phủ cần quyết liệt triển khai Nghị quyết 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công. “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cần thiết lập kỷ cương, kỷ luật, quy rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; có chế tài xử lý nghiêm minh, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ các dự án, đặc biệt đối với những dự án đầu tư lớn, có sức lan tỏa cao”.

Trước đó, tại hội nghị sơ kết 6 tháng công tác của ngành tài chính, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nguyễn Đức Chi kiến nghị một số nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của KBNN để cải thiện tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, KBNN kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ số kế hoạch vốn năm 2021 còn lại (khoảng hơn 53.800 tỷ đồng, bằng 11,68% kế hoạch Thủ tướng giao), chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) để  bảo đảm điều kiện sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án đã được giao kế hoạch vốn; có khối lượng hoàn thành và kịp thời lập hồ sơ thanh toán để KBNN giải ngân.

Bên cạnh đó, KBNN kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, để các bộ ngành, địa phương có căn cứ chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Về phía hệ thống kho bạc sẽ tiếp tục phối hợp, đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ gửi đến KBNN để thanh toán; ứng dụng tối đa công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, bảo đảm thanh toán kịp thời, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.  

Tiểu Phong