Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Làm rõ nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của cảnh sát cơ động

- Thứ Ba, 21/09/2021, 15:50 - Chia sẻ
Sáng 21.9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 21.9

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Qua thảo luận, về hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đánh giá Chính phủ đã chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ các báo cáo, tài liệu kèm theo và bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, nhất là đánh giá tác động về tổ chức biên chế, kinh phí ngân sách bảo đảm trang bị vũ khí, phương tiện…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Về sự cần thiết ban hành luật, cơ bản nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ 3 nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng cảnh sát cơ động để làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, từ đó làm nổi bật sự thuyết phục về việc phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này.

Về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh sửa nội dung để thể hiện đúng vị trí,chức năng của cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết; làm rõ vai trò nòng cốt, sử dụng biện pháp vũ trang, vai trò chuyên trách trong bảo vệ an ninh quốc gia; làm rõ quy định cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang là chủ yếu để tránh chồng chéo lên chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng chuyên trách khác về bảo vệ an ninh quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Thường trực Trần Thanh Mẫn phát biểu

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với quy định trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát các nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát cơ động để phù hợp với vị trí chức năng, tránh chồng chéo và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan; quy định cụ thể hơn quyền hạn của cảnh sát cơ động nhất là các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với pháp luật hiện hành.

Về phạm vi hoạt động, tổ chức sử dụng điều động và phối hợp thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động vì nội dung này liên quan đến điều ước quốc tế, các thỏa thuận quốc tế và liên quan đến chức năng, quyền hạn, phạm vi hoạt động của các lực lượng khác đã được quy định ở các luật như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng, Luật Cảnh vệ...

Về trang bị, chính sách đối với cảnh sát cơ động và trách nhiệm của chính quyền các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát thật kỹ để một mặt bảo đảm cho lực lượng  này hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời phù hợp với thực tiễn, đúng với phạm vi, quyền hạn của chính quyền các cấp để bảo đảm tính khả thi; rà soát các nội dung giao cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quy định để thiết kế các nội dung của Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Ngoài ra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung khác như: nguyên tắc hoạt động; thời gian phục vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động; các trường hợp mang vũ khí lên tàu bay; thẩm quyền quy định về bảo đảm hậu cần, tài chính ngân sách; vấn đề bình đẳng giới;…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới bảo đảm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bố cục sắp xếp chính xác, các nội dung quy định phải dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện. Cùng với Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban liên quan tham gia thẩm tra dự án Luật theo trách nhiệm được giao; giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm xây dựng, hoàn thiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  đôn đốc các cơ quan hoàn thiện hồ sơ, tài liệu phục vụ Kỳ họp gửi đại biểu Quốc hội theo quy định.

Lâm Hiển