Thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII

Làm rõ vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội

- Chủ Nhật, 22/08/2021, 06:37 - Chia sẻ
Tại kỳ họp thường lệ đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đã tập trung làm rõ những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nông nghiệp nông thôn, ô nhiễm môi trường và các dự án chậm triển khai… được đại biểu đặc biệt quan tâm, đề xuất nhiều giải pháp khắc phục triệt để.

Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Trong số các nội dung đưa ra thảo luận, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Hồ Văn Đàm, UBND tỉnh cần định hướng rõ và có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp từng mùa vụ; khắc phục tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, nhất là vụ Đông hiện nay. Đồng thời, cần có biện pháp quản lý tốt việc buôn bán vật tư nông nghiệp. Trong khi đó, vấn đề được đại biểu Vi Văn Quý quan tâm lại là tình trạng thiếu đất sản xuất đối với người dân miền núi, nhất là khi người lao động xa quê nay trở lại quê hương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo có thể gia tăng. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết: Thời gian qua, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, giai đoạn 2013 - 2020 đã đề ra các giải pháp chuyển đổi cụ thể. Cùng với đó, hàng năm trong phương án sản xuất vụ xuân, hè thu, vụ đông, sở đều có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng giai đoạn, địa phương... Tới đây, sở sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển các sản phẩm chủ lực và đề án phát triển cây trồng hàng hóa để định hướng rõ cơ cấu cây trồng, chuyển đổi ruộng đất để triển khai thực hiện. Đối với tình trạng quản lý thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích thiếu chặt chẽ hiện nay, sở đã phối hợp với một số ngành liên quan xử lý nhiều vụ việc, nhưng chưa triệt để; sắp tới sở sẽ có các giải pháp tích cực hơn…

Về tình trạng người dân miền núi thiếu đất sản xuất, tỉnh đã tập trung chuyển giao 11.734,73ha/12.026,16ha đất từ 11 nông, lâm trường cho các địa phương để giao cho người dân sản xuất và còn hơn 300ha sẽ tiếp tục giao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc triển khai chủ trương giao đất, giao rừng, giai đoạn 2018 - 2020 cũng đã được thực hiện đạt 56% tiến độ. Hiện, do vấn đề kinh phí nên tỉnh đã cho phép kéo dài đến năm 2023 và vài năm tới thực hiện xong sẽ tạo quỹ đất sản xuất cho người dân”, ông Nguyễn Văn Đệ cho biết.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại Hội trường
Ảnh: Hải Phong

Xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT), các đại biểu đánh giá: Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội cũng như kiểm soát chặt các nguồn gây ô nhiễm… Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Công Văn, công tác BVMT chưa được nhiều công ty, đơn vị thực hiện nghiêm túc; việc xử phạt còn nhẹ, chưa mang tính răn đe. “Tại xã Nghi Quang và Nghi Yên (huyện Nghi Lộc), cử tri cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty CP Minh Thái Sơn (KCN Nam Cấm) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên gây ra chưa được xử lý dứt điểm”, đại biểu nêu ý kiến.

Làm rõ vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt thừa nhận: Cử tri phản ánh Công ty CP Minh Thái Sơn (KCN Nam Cấm) có hành vi gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn đúng. Ngày 11.8 vừa qua, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu công ty dừng hoạt động để khắc phục các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đề nghị Công ty CP Minh Thái Sơn chuyển đổi sang loại hình sản xuất khác, thân thiện với môi trường.

Còn đối với tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (huyện Nghi Lộc), người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nhấn mạnh: Việc cử tri phản ánh là có cơ sở. Khi có sự cố rò rỉ nước thải tại bãi rác, Sở đã chỉ đạo khắc phục và phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp khắc phục sự cố rò rỉ, ô nhiễm môi trường. Trong đó, yêu cầu công ty vận hành đúng quy trình đã được phê duyệt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo đảm môi trường, di dời khu tái định cư, tiếp tục xây dựng hố chôn lấp để giảm tải; đầu tư chuyển đổi công suất với công nghệ hiện đại hơn...

Chấm dứt hoạt động 195 dự án chậm triển khai

Tại phiên thảo luận, liên quan đến tình trạng nhiều dự án được cấp đất nhiều năm nhưng không triển khai được đại biểu Hồ Văn Đàm phản ánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết: Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã thành lập 8 Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 588 lượt dự án. Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã tạm dừng việc kiểm tra các dự án chậm tiến độ của các Đoàn kiểm tra liên ngành. Tuy nhiên, việc rà soát các dự án vẫn được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhằm đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đồng thời có phương án xử lý đối với các dự án thực hiện quá chậm.

Cũng theo Giám đốc Sở KH và ĐT, ngày 26.5.2021, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3282/UBND-CN, trong đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo làm rõ tiêu chí lựa chọn 84/239 dự án đề xuất kiểm tra trong năm 2021; rà soát, phân nhóm 239 dự án về thủ tục pháp lý đã có; sơ bộ tình hình triển khai thực hiện dự án. “Trong năm 2021, có 9 dự án bị chấm dứt hoạt động, hủy bỏ các thủ tục pháp lý có liên quan; đưa tổng số dự án bị chấm dứt hoạt động đến thời điểm hiện nay là 195 dự án, với tổng diện tích đất 120.450ha”, ông Đức thông tin

Diệp Anh