Làm sâu sắc hơn hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV

- Thứ Năm, 23/09/2021, 03:59 - Chia sẻ
Hôm nay, 23.9, Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về khu vực Tam giác phát triển CLV sẽ được tổ chức trực tuyến. Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm hội nghị, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI ĐINH CÔNG SỸ cho biết, đây là dịp để Ủy ban Đối ngoại ba nước cùng đánh giá, xem xét và thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong khu vực, góp phần làm sâu sắc hơn hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển CLV.
Ảnh: Thanh Chi
Ảnh: Thanh Chi

Thúc đẩy gắn kết và hỗ trợ phát triển khu vực

- Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển CLV với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì sự phát triển bền vững và ứng phó với khủng hoảng Covid-19 ở khu vực Tam giác Phát triển” có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Chủ đề của hội nghị năm nay do Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia đề xuất và được sự nhất trí của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào. Chủ đề hội nghị vừa thể hiện mục tiêu xuyên suốt của quan hệ hợp tác giữa ba Chính phủ Campuchia - Lào - Việt Nam, vai trò điều phối của Ủy ban Điều phối chung khu vực Tam giác phát triển của mỗi nước nhằm hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững về kinh tế - xã hội trong Khu vực Tam giác phát triển CLV. Đồng thời, thể hiện tính thời sự, tính cấp bách hiện nay là thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước và kết quả hợp tác giữa ba nước Campuchia  - Lào - Việt Nam trong ứng phó với tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các thảo luận này được tiến hành dưới góc độ của các cơ quan thực thi (Chính phủ, các bộ, ngành) và trên cơ sở thực hiện các chức năng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

- Tại hội nghị lần thứ 8, các đại biểu sẽ xem xét và thảo luận những nội dung chính nào, thưa ông?

- Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước sẽ đánh giá kết quả thực hiện những khuyến nghị trong Tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 7, trong đó có những kiến nghị đối với Chính phủ, Ủy ban điều phối chung khu vực Tam giác phát triển của ba nước, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong triển khai, thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác phát triển; Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển CLV giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quản lý điều hành trang thông tin điện tử; Kế hoạch phát triển cho ngành công nghiệp cao su trong khu vực Tam giác phát triển CLV; Hiệp định tạo thuận lợi và xúc tiến thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan; Thủ tục cấp phép vận tải đa phương thức; Tăng hạn ngạch phương tiện vận tải, tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới, việc triển khai các dự án ưu tiên trong khu vực Tam giác phát triển…

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Điều phối chung của mỗi nước và của chính quyền các tỉnh trong khu vực, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước sẽ đánh giá, chỉ ra những nội dung làm tốt, những vấn đề tồn đọng, vướng mắc, chưa thực hiện được và đưa ra các kiến nghị đề xuất để các cơ quan có thẩm quyền và các địa phương trong khu vực có giải pháp khắc phục.

Hội nghị cũng sẽ nghe báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là cơ chế phối hợp trong phòng chống dịch bệnh lây lan xuyên biên giới và thảo luận của các đại biểu về các vấn đề này. Qua đó, hội nghị sẽ có kiến nghị, gợi ý hợp tác phù hợp và khả thi hơn trong thời gian tới giữa ba nước. Tiếp tục thảo luận về tính hiệu quả và đưa ra các khuyến nghị về việc huy động sự tham gia của các đối tác phát triển phục vụ cho việc triển khai được thuận lợi các thỏa thuận đã được thống nhất giữa ba nước như: Tổ chức JICA đang đồng hành hiện nay.

Kết quả của Hội nghị được thể hiện trong Tuyên bố chung của ba Ủy ban sẽ được gửi đến Ủy ban điều phối chung khu vực Tam giác phát triển và Chính phủ ba nước. Đây sẽ là những đề xuất, kiến nghị và những gợi ý cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện các thỏa thuận hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Ủy ban Đối ngoại ba nước nói riêng, giữa Quốc hội và giữa ba nước nói chung.

Chủ động dẫn dắt cơ chế hợp tác CLV

- Ông đánh giá thế nào về kết quả hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại của ba nước trong thực hiện Tuyên bố chung Hội nghị lần thứ 7 năm 2019?

- Hội nghị lần thứ 7 do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức năm 2019 đã thành công tốt đẹp cả về công tác nội dung và công tác tổ chức. Kể từ sau Hội nghị lần thứ 7 đến nay, qua hoạt động giám sát của Ủy ban Đối ngoại cho thấy Chính phủ ba nước đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp từ cấp trung ương đến địa phương, nhằm tổ chức thực hiện các Thỏa thuận hợp tác đã ký kết trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Ở cấp địa phương, UBND 5 tỉnh của nước ta đã ký nhiều Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các tỉnh phía bạn Lào và Campuchia; đồng thời, thống nhất nhiều mô hình hợp tác từ Tổ công tác, đoàn chuyên viên, giao ban định kỳ cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. Kết quả triển khai các Thỏa thuận hợp tác này đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khu vực Tam giác phát triển CLV, thu hẹp khoảng cách phát triển với các khu vực khác và thúc đẩy gắn kết để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẽ có báo cáo chi tiết về tình hình giám sát thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển CLV, nhằm minh chứng thêm cho kết quả của quá trình hợp tác giữa Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước.

- Ông đánh giá như thế nào về cơ chế hợp tác giữa các Ủy ban Đối ngoại Quốc hội của ba nước?

- Sau 22 năm triển khai Thỏa thuận, hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV luôn giữ vai trò là cơ chế gắn kết ba nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực 13 tỉnh chiến lược biên giới và đem lại lợi ích kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh một cách thiết thực.

Trong cơ chế hợp tác CLV, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt cả trong xây dựng các tài liệu định hướng và thực hiện các dự án cụ thể. Lào và Campuchia đánh giá cao các sáng kiến của nước ta tại các Hội nghị. Một số địa phương nước ta cũng đã chủ động, linh hoạt có nhiều nội dung hợp tác với các địa phương của Lào và Campuchia. 

Để đạt được những kết quả hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển CLV như trên, không thể không nhắc tới vai trò ngày càng quan trọng của công tác ngoại giao nghị viện nói chung và vai trò của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước nói riêng. Các hoạt động hợp tác không chỉ thể hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa ba nước mà còn thể hiện qua các hoạt động đối ngoại song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương khác, nhất là các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ AIPA, ASEAN, ASEAN và các đối tác, khuôn khổ hợp tác tiểu vùng sông Me Kong. Thông qua các cơ chế hợp tác này, Ủy ban Đối ngoại ba nước cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Những kết quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam nói riêng và cơ chế hợp tác giữa các Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước đã góp phần thực hiện các mục tiêu của các Thỏa thuận hợp tác ba nước, đồng thời, làm sâu sắc hơn về hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển CLV.

- Xin cảm ơn ông!

Cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác giám sát của Ủy ban Đối ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa ba nước cũng như trong khu vực Tam giác phát triển CLV. Trong đó, Hội nghị Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước tổ chức theo hình thức luân phiên định kỳ hai năm một lần là dịp để Ủy ban Đối ngoại ba nước cùng đánh giá, xem xét việc thực hiện các Thỏa thuận hợp tác trong khu vực. Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động giám sát khác của Ủy ban Đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV.

Đơn cử, năm 2017, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia”, trong đó tập trung giám sát các điều ước quốc tế đã ký kết với Lào và Campuchia. Năm 2018, Ủy ban Đối ngoại thực hiện hai chuyên đề giám sát quan trọng có liên quan đến khu vực Tam giác phát triển gồm: Chuyên đề giám sát “Tình hình thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” và chuyên đề giám sát “Việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam trong khu vực tam giác phát triển CLV”. Trong đó, chuyên đề thứ nhất là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tổ chức giám sát chung việc thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.

 

Thanh Chi thực hiện