Sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật

Làm thận trọng, chắc chắn, bảo đảm hiệu quả

- Thứ Năm, 09/12/2021, 06:16 - Chia sẻ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội và sẽ xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp bất thường tới đây. Tuy nhiên, dự án Luật này phải tiếp tục được rà soát kỹ lưỡng, thận trọng từng điều khoản, phương án sửa đổi, bổ sung. Nhấn mạnh yêu cầu này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, càng chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, làm chắc chắn bao nhiêu càng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi của Luật bấy nhiêu.

Khẩn trương nhưng phải chặt chẽ, kỹ lưỡng

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật - PV) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua đã được rà soát, nghiên cứu xây dựng qua quá trình sàng lọc nhiều bước, trao đổi giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cũng như với các cơ quan của Quốc hội. Chia sẻ về quá trình này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thống kê ban đầu cho thấy có hàng chục luật, hàng trăm nghị định, hàng nghìn thông tư cần sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư kinh doanh, tuy nhiên, Lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành liên quan rà soát cụ thể. Sau khi rà soát, kiểm tra, đối chiếu lại thì số lượng luật cần sửa đổi, bổ sung đã giảm rất nhiều.

Với phạm vi sửa đổi, bổ sung liên quan đến 8 luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phải làm thận trọng và khoa học, không để xảy ra tình trạng sau khi sửa luật xong lại không biết áp dụng theo luật nào, kéo theo đình trệ cả hệ thống điều hành, quản lý, cũng như nhiều vấn đề khác về sau này.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại cuộc làm việc của Lãnh đạo Quốc hội với các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội vừa qua về chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp bất thường, một số ý kiến cho rằng không cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trên. Do đó, các cơ quan chức năng phải rà soát một lần nữa xem những bất cập vừa qua là do vướng mắc của luật hay do quy định của nghị định hay do tổ chức thực hiện. 

Các đại biểu dự phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Không xa rời nguyên tắc chung

Với tính chất quan trọng của dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, phạm vi sửa đổi, bổ sung cần bám sát nguyên tắc: chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền, đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước; phù hợp với yêu cầu được xác định tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; các quy định có tính chất độc lập tương đối để không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trong các luật khác; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 Đối với trường hợp các luật đã hoặc đang có dự kiến sửa đổi, bổ sung tổng thể trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, nhưng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung ngay tại dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, phải nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi và tính ổn định lâu dài của quy định.

Nhất trí với quan điểm nêu trên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về đầu tư công phải bám sát nguyên lý chung trong phân cấp quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước, bảo đảm không dẫn đến tình trạng phá vỡ 3 luật liên quan là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước, đồng thời cũng phải phù hợp với khả năng thực hiện của cấp được phân cấp. Với những vấn đề Trung ương và địa phương đều thực hiện được thì cấp nào thực hiện tốt hơn sẽ giao cho cấp đó. Việc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương cũng phải trên tinh thần này. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm, cùng với việc tăng cường phân cấp, giao thẩm quyền cho người đứng đầu các bộ, ngành và HĐND cấp tỉnh thì phải đề cao hơn nữa trách nhiệm các chủ thể này trong việc bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

Với sự kỹ lưỡng và thận trọng, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những điều khoản phải hoàn thiện hơn trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật. Đơn cử, khi sửa đổi khoản 5 Điều 17 Luật Đầu tư công hiện hành phải tách bạch quy định về thẩm quyền quyết định dự án của bộ trưởng và người đứng đầu cơ quan trung ương và HĐND cấp tỉnh. Bởi tại cấp bộ thẩm quyền quyết định thuộc về cá nhân, trong khi ở cấp tỉnh thuộc quyền của tập thể.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 2 dự thảo Luật) theo hướng “Dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài” bởi lo ngại sẽ gây cách hiểu sai khi triển khai thực hiện. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc thể hiện điều khoản này không nên "kiệm lời", cần tách riêng quy định việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, để tránh cách hiểu sai.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, các cơ quan liên quan của Quốc hội và Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện các nội dung của dự án Luật thêm một bước nữa, bảo đảm các điều khoản sửa đổi tuân thủ Hiến pháp, đúng chủ trương của Đảng, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; quy định chặt chẽ về áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp; đồng thời phải rõ ràng về cơ chế giám sát, cơ chế chịu trách nhiệm. Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 

Thanh Hải