Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Làm thực chất, không chạy theo thành tích

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 07:06 - Chia sẻ
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội luôn quan tâm đến chất lượng, tuyệt đối không để nợ tiêu chí và nợ đọng xây dựng cơ bản. Cách làm bài bản, thực chất, không chạy theo thành tích này đã giúp thành phố luôn giữ vững vị trí đơn vị dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM, ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
	Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí khảo sát thực tế tiến độ xây dựng NTM tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội - ảnh Tường Vy
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí khảo sát thực tế tiến độ xây dựng NTM tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Ảnh Tường Vy

Nói không với nợ tiêu chí, nợ đọng xây dựng cơ bản

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 12/18 huyện, thị đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong số 6 huyện chưa về đích, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định NTM Trung ương xem xét, thẩm định huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021. Huyện Ba Vì và Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022. Đối với cấp xã, đến nay, toàn thành phố có 368/382 xã đạt chuẩn, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 14 xã chưa hoàn thành, có 2 xã thuộc huyện Ba Vì đã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn. Năm 2021, toàn thành phố có 21 xã đăng ký đạt NTM nâng cao và 6 xã đăng ký đạt NTM kiểu mẫu. Hiện, các địa phương này đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí chưa đạt và cơ bản đạt, phấn đấu đến cuối năm 2021 hoàn thiện hồ sơ trình thành phố xem xét, công nhận đạt chuẩn.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, kết quả xây dựng NTM trên địa bàn Hà Nội không chỉ góp phần ổn định kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, mà còn tạo động lực để Hà Nội tiếp tục bứt phá trong tiến trình xây dựng NTM giai đoạn mới. Trao đổi với phóng viên, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Trong xây dựng NTM, Hà Nội quan tâm đến chất lượng, tuyệt đối không có tình trạng nợ tiêu chí, nợ đọng xây dựng cơ bản. Chính vì vậy, Bộ NN - PTNT đã đánh giá cách làm của Hà Nội là “bài bản, thực chất, không chạy theo thành tích”.

Thực tế, trên cơ sở các quy định của Trung ương, Hà Nội đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn về phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, bảo đảm tính khách quan, trung thực. Quá trình đánh giá, chấm điểm cho thấy, chỉ khi các địa phương đạt được số điểm tiêu chí theo đúng quy định và không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản thì mới đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM thành phố xem xét, công nhận.

Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM cũng là một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc trong hồ sơ xét công nhận và công bố. Chưa kể, một số chỉ tiêu, tiêu chí NTM của Hà Nội đặt ra cao hơn so với quy định chung của Trung ương. Đơn cử như: Tiêu chí giao thông, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, yêu cầu đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm thì Bộ tiêu chí xã NTM của thành phố yêu cầu đường ngõ xóm được cứng hóa sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện, bảo đảm vận chuyển hàng hóa quanh năm. Đây là yêu cầu cao hơn, nhưng Hà Nội đã và đang thực hiện rất tốt tiêu chí này.

Xây dựng nông thôn mới theo định hướng phát triển đô thị

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021 có thêm 4 huyện và 14 xã đạt chuẩn NTM; 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Văn Chí, cần sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong việc tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, tin tưởng, tự nguyện tham gia xây dựng NTM. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp và nguồn nội lực mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hà Nội cũng xác định xây dựng NTM theo định hướng phát triển đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, bên cạnh nguồn xã hội hóa, nguồn đóng góp từ Nhân dân, thành phố đã dành nguồn lực rất lớn để thực hiện chương trình. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng tiêu chí NTM theo hướng tiêu chí đô thị. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí NTM các cấp, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ lồng ghép Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đô thị hóa. Theo đó, một số tiêu chí sẽ cao hơn so với Bộ tiêu chí quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Với phương châm “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc; làm đâu, chắc đó”, ông Nguyễn Văn Chí khẳng định, Văn phòng Điều phối NTM thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp căn cơ để hoàn thành các nội dung Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đã đề ra. Trong thời gian tới, thành phố sẽ chú trọng các tiêu chí khó và cần nhiều nguồn lực đầu tư như: Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa… Đây là những tiêu chí quan trọng và nếu hoàn thành sớm sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn.

______________________________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Đào Cảnh