Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Lan tỏa cách làm hay

- Chủ Nhật, 18/10/2020, 06:32 - Chia sẻ
Thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phát huy hiệu quả thiết thực. Không chỉ đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, những mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của người dân và thúc đẩy tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp

Xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) những năm gần đây luôn giữ được hình ảnh sạch đường, đẹp ngõ nhờ mô hình “Bảo vệ môi trường” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Tại các thôn, xóm ở Ninh Sở đều có những thùng rác bằng nhựa, có nắp đậy sạch sẽ, đặt ngay ngắn trong từng con ngõ. Mỗi gia đình nơi đây còn tự bỏ tiền mua các thùng rác cá nhân để tự thu gom rác thải hàng ngày của gia đình mình. Nhờ đó, toàn bộ rác thải sinh hoạt của người dân được thu gom gọn gàng, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm và mất mĩ quan.

Được biết, mô hình “Bảo vệ môi trường” ở xã Ninh Sở được khởi động từ năm 2015. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động các hội viên trồng hoa ven đường; mua chung thùng rác có nắp đậy; lồng ghép nội dung tuyên truyền thực hiện công tác tổng vệ sinh môi trường vào các buổi sinh hoạt hội phụ nữ. Đến nay, xã Ninh Sở đã có hơn 1.800 thùng rác gia đình và trên 200 thùng rác tại các ngõ, xóm. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chỉ đạo các chi hội duy trì tổng vệ sinh vào ngày cuối tuần, biến 12 điểm tập kết rác thành điểm trồng hoa... Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Thị Liễu: “Từ ngày có thùng rác công cộng, đường làng, ngõ xóm bảo đảm vệ sinh. Hiện các hộ dân không chỉ chủ động phân loại rác và để đúng nơi quy định mà còn tích cực quét dọn, vệ sinh nơi công cộng và khu vực quanh nhà. Người dân ngày càng nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống, gia đình nào cũng sạch đẹp từ nhà ra ngõ”.

Có thể thấy, việc làm sạch đường, đẹp ngõ ở Ninh Sở là mô hình cần được nhân rộng trong nỗ lực bảo vệ môi trường sống, nhất là ở khu vực nông thôn. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thường Tín Nguyễn Thị Thanh Nhàn khẳng định: “Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ninh Sở đã có sáng tạo trong việc triển khai mô hình bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động để các địa phương khác trên địa bàn huyện kêu gọi Nhân dân chung tay lắp đặt thùng rác như ở xã Ninh Sở ngay trong năm 2021”.

Tương tự, mô hình “Dân vận khéo trong thực hiện vệ sinh sạch đường làng, sạch đồng ruộng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch Thất cũng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, giữ vững các tiêu chí NTM. Hội đã tổ chức cho 23/23 cơ sở hội và 100% cán bộ, hội viên ký cam kết thực hiện mô hình sạch đường làng, sạch đồng ruộng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt và giảm thiểu rác thải nhựa. Nhờ đó, toàn huyện đã xây dựng và duy trì được 440 đoạn đường phụ nữ tự quản, hàng chục đoạn đường nở hoa, tranh bích họa, xóa nhiều điểm chân rác tự phát và vận động xã hội hóa lắp đặt được hàng chục thùng chứa rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, huyện cũng duy trì nền nếp vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào sáng thứ 7, chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ, Tết, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Ngoài hai mô hình trên, với khẩu hiệu “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận”, huyện Đan Phượng đã tổ chức đánh số nhà, đặt tên các ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh, vẽ bích họa cho các tuyến đường tạo cảnh quan đẹp cho làng quê. Đây cũng là một trong những mô hình, cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM được Thành ủy Hà Nội đánh giá cao. Hay ở huyện Phúc Thọ với cuộc vận động 3 sạch “nước sạch, nông nghiệp sạch, môi trường sạch” đã góp phần cải tạo các ao hồ, mương máng; dẹp bỏ tình trạng tập kết rác thải không đúng nơi quy định; xây dựng các tuyến đường và cụm dân cư xanh - sạch - đẹp… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, môi trường sống được cải thiện rõ rệt.

Mô hình liên kết nuôi ong lấy mật đang tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây  

Ảnh: Tường Vy 

Liên kết phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Bên cạnh những mô hình, cách làm hay trong công tác bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan, các mô hình liên kết, hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất cũng được nhiều địa phương áp dụng hiệu quả. Thông qua các mô hình này, thu nhập của người dân tăng lên, đời sống ngày càng được cải thiện, tạo ra nội lực lớn trong xây dựng NTM ở địa phương.

Xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) là một trong các xã làm tốt chủ trương xây dựng NTM gắn với phát triển bền vững nông thôn, nâng cao thu nhập đời sống cho nông dân. Trong đó, mô hình “Liên kết nuôi ong lấy mật” trên địa bàn xã đã mang lại giá trị kinh tế cao. Được biết, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Kim Sơn đã có từ lâu đời, nhưng chỉ dừng lại ở góc độ hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Nhằm liên kết chặt chẽ các hộ nuôi ong hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, năm 2018, Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xã được thành lập với 40 thành viên, trung bình mỗi hộ nuôi từ 70 - 100 đàn. Nhờ đó, nghề nuôi ong đã được đẩy mạnh và phát triển tập trung, có quy mô. Đến nay, sản lượng mật bình quân hàng năm của các hộ nuôi ong Kim Sơn đạt khoảng 40.000 lít mật. Ngoài doanh thu từ khai thác mật, các hộ còn tập trung nhân đàn, tách đàn bán giống, bán phấn hoa và các sản phẩm khác mang lại nguồn thu nhập thường xuyên từ 150 - 800 triệu đồng/hộ/năm trở lên. Cũng từ Kim Sơn, mô hình nuôi ong đang có xu hướng mở rộng sang một số xã, phường khác của thị xã Sơn Tây, như: Phường Xuân Khanh, Trung Sơn Trầm, xã Xuân Sơn, Thanh Mỹ,... mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Còn tại huyện Thạch Thất, nhiều hộ dân được hưởng lợi từ mô hình sử dụng vốn vay từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội để phát triển kinh tế VAC. Thông qua dự án đã giúp các hộ mở rộng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, nâng cao thu nhập (bình quân đạt từ 30 - 35 triệu đồng/năm). Dự án đã tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động là cán bộ, hội viên; tạo được các mô hình phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao về nhận thức cho hội viên nông dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, liên kết trong sản xuất. Không chỉ giúp phát triển kinh tế, mô hình này còn tạo được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, thắt chặt tình làng nghĩa xóm ngày, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM của địa phương.

Các mô hình, cách làm hay trong xây dựng NTM trên địa bàn Hà Nội hiện rất đa dạng, như: Mô hình huy động sức dân trong xây dựng NTM; mô hình nghĩa tình đồng đội, đồng chí đoàn kết giúp nhau vượt khó; mô hình hỗ trợ hộ nghèo bảo đảm an sinh xã hội; mô hình thu gom và phân loại rác tại nguồn... Mỗi mô hình đều đem lại hiệu quả thiết thực, giúp hoàn thành các tiêu chí NTM, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã khẳng định, khi triển khai xây dựng NTM, để hoàn thành 19 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM theo hướng dẫn của Trung ương và thành phố Hà Nội, mỗi địa phương tùy đặc điểm tình hình để có những bước đi, cách làm tạo đột phá trong quá trình thực hiện. Các xã, huyện trên địa bàn thành phố cần tìm hiểu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để tiếp tục tạo đột phá trong xây dựng NTM của Thủ đô.

Đào Cảnh