Lan tỏa những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội Khóa XV

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 07:20 - Chia sẻ
Với nhiều đổi mới trong công tác chuẩn bị, tổ chức và tinh thần trách nhiệm của đại biểu, đợt họp thứ nhất theo hình thức trực tuyến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri, người dân cả nước và các đại biểu, cơ quan dân cử địa phương. Là một hình mẫu trong tổ chức các hoạt động, những đổi mới thể hiện cách thức vận hành của một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, thực sự vì dân. Hoạt động của Quốc hội sẽ tiếp tục như “làn gió mới” lan tỏa đến HĐND các địa phương, không chỉ trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp và còn trong hoạt động giữa hai kỳ họp.

Bài 1: Chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa

Việc chủ động vào cuộc từ rất sớm đã giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình sang chủ động dẫn dắt thực hiện quyền lập pháp, kiểm soát quy trình lập pháp. Đây là tiền đề quan trọng tổ chức Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV “theo tinh thần tiếp tục đổi mới và sáng tạo, vừa tận dụng, tiết kiệm tối đa thời gian, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng của kỳ họp” như khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc kỳ họp. Đổi mới này chắc chắn sẽ lan tỏa sâu rộng đến HĐND các địa phương, nhất là trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp thường kỳ cuối năm sắp tới.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội ngày 27.9

Ảnh: Lâm Hiển 

Chủ động kiểm soát quy trình lập pháp

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ Tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đối với nội dung, chương trình, thời gian và phương thức tổ chức Kỳ họp thứ Hai, những nội dung nào thực sự cần thiết, cấp bách và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng, bảo đảm sự đồng thuận cao thì đưa vào chương trình kỳ họp. Nội dung nào cấp bách, cần thiết nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, có thể báo cáo Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề ngắn theo hình thức trực tuyến trong cuối năm nay để xem xét, quyết định.

Chỉ chấp nhận những nội dung đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng các quyết sách - tinh thần chỉ đạo quyết liệt này cũng cần được tiếp tục phát huy trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp HĐND các địa phương, nhất là kỳ họp thường kỳ cuối năm sắp tới. Bởi thực tế, vẫn còn những nội dung chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng vẫn được “miễn cưỡng” đưa vào chương trình kỳ họp, lý do phổ biến là để đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Với tinh thần liên tục đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phương châm chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa trên cả ba phương diện: Lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, không quản ngại vất vả, làm việc ngoài giờ, làm thêm vào ngày nghỉ, đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan; bám sát thực tiễn cuộc sống, thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập trung chuẩn bị tốt nhất các nội dung cho Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV”.

Nhìn lại khoảng thời gian giữa hai kỳ họp, chỉ nửa tháng sau Kỳ họp thứ Nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc đầu tiên với Thường trực các cơ quan của Quốc hội xác định những vấn đề lớn về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với từng dự án luật. Ngay sau cuộc làm việc này, Thường trực các Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình, xem xét qua nhiều vòng, thảo luận tất cả vấn đề đặt ra, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, lắng nghe ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh, chịu sự tác động… để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Hiệu quả rõ rệt của sự chủ động ngay từ đầu này là có những dự án luật thời điểm đó chưa đáp ứng yêu cầu nhưng khi lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội vào cuộc sớm nên đã có đủ thời gian để tiếp tục hoàn thiện; có dự án luật dự kiến phải rút khỏi chương trình nhưng sau đó đã được hoàn chỉnh, bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội đúng tiến độ.

Có thể thấy, việc chủ động vào cuộc từ rất sớm đã giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình sang chủ động dẫn dắt thực hiện quyền lập pháp, kiểm soát quy trình lập pháp. Đây là tiền đề quan trọng tổ chức Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV “theo tinh thần tiếp tục đổi mới và sáng tạo, vừa tận dụng, tiết kiệm tối đa thời gian, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng của kỳ họp” như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc kỳ họp.

Để không còn bị động, phụ thuộc

Thời điểm này, cùng với giải quyết công việc giữa hai kỳ họp, HĐND các địa phương cũng đang nỗ lực chuẩn bị để bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung cho kỳ họp thường lệ cuối năm, bàn, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, hoạt động thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp là cơ sở quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận và quyết định, bảo đảm chất lượng các quyết sách. Đặc biệt là với những kỳ họp được rút ngắn thời gian để bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, bên cạnh những kết quả rất tích cực, việc nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND trên thực tế đã gặp phải những vướng mắc tuy không mới nhưng vẫn là câu chuyện vẫn phải nói mãi. Điển hình là việc gửi chậm một số tài liệu thẩm tra theo quy định còn phổ biến, mặc dù đã được rút kinh nghiệm qua nhiều kỳ họp, nhưng hầu như kỳ họp nào cũng vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị được UBND giao soạn thảo đề án, báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết chưa chủ động phối hợp với các ban HĐND ngay từ đầu xây dựng dự thảo, đẩy các ban vào thế “bị động”, ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu và chất lượng thẩm tra của các ban HĐND tỉnh cũng như chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND.

Học tập kinh nghiệm của Quốc hội và để giảm thiểu sự bị động, nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra, trên cơ sở yêu cầu của Thường trực HĐND, yêu cầu đặt ra là các ban HĐND cần chủ động hơn trong phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trình ngay từ đầu; tích cực tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, lắng nghe ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh, chịu sự tác động… như đổi mới của các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động thẩm tra thời gian qua.

Điển hình, tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam tháng 10 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đề nghị công tác phối hợp giữa HĐND và UBND trong chuẩn bị, tổ chức kỳ họp cần được tiến hành chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Trong đó, cần sự phối hợp tích cực hơn giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo các đề án, dự thảo nghị quyết. Các ban HĐND cần nghiên cứu, tiếp cận sớm nội dung UBND tỉnh trình ngay từ giai đoạn dự thảo để chủ động hơn và nâng cao chất lượng các nội dung trình kỳ họp.

PHƯƠNG NGUYÊN