Lan tỏa tinh thần Hội thảo, cụ thể hóa thành hành động để hoàn thiện văn hóa học đường

- Chủ Nhật, 21/11/2021, 10:10 - Chia sẻ
Phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các cấp, 

Kính thưa các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà giáo

Kính thưa các vị khách quý, thưa quý đại biểu,

Hôm nay tôi rất vui mừng tới dự Hội thảo Giáo dục năm 2021 với chủ đề“Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các quản lý, nhà giáo dự Hội thảo lời chúc sức khỏe, và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

Nhân hội thảo hôm nay, chào mừng Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam 20.11, với tình cảm chân thành sâu sắc, tôi xin chúc các thầy, cô giáo trong cả nước luôn tràn đầy tình thương yêu, hạnh phúc, luôn tâm huyết, trí tuệ, sẵn sàng cống hiến, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2021 -Ảnh: Lâm Hiển

Thưa quý vị đại biểu!

Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định mục tiêu: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống và làm việc hiệu quả. Văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất ấy cho thế hệ trẻ.  

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định vai trò quan trọng của văn hóa, “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Tinh thần đó của Nghị quyết càng khẳng định thêm vai trò của nhà trường, của văn hóa học đường trong việc bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam: vừa có những năng lực, phẩm chất mới, vừa giữ được giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

    Ngày 24.11 tới đây sẽ diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Vì vậy, tôi hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” - một trong những vấn đề mà nhiều học sinh, phụ huynh học sinh, nhiều gia đình, đại biểu Quốc hội và Nhân dân, dư luận xã hội rất quan tâm. Tôi cũng xin trân trọng cám ơn về sự tham dự hội thảo của tất cả quý đại biểu có mặt hôm nay và các đại biểu dự trực tuyến.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội thảo - Ảnh: Lâm Hiển

Thưa  quý vị đại biểu!

Thế hệ trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, học sinh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Văn hóa học đường chính là vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, có những con người có đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Đây thực sự là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã, sẽ và đang ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thời gian qua ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường, như Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, tạo nên môi trường sư phạm lành mạnh, giáo dục ý thức kỹ năng sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy nhiên, như báo cáo đề dẫn đã nêu, chúng ta còn lo ngại khi đâu đó còn tình trạng thiếu trung thực trong dạy và học, trong kiểm tra đánh giá, hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một số ít học sinh và giáo viên, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong một số cơ sở giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, gây tổn hại tới môi trường trong học đường.

Theo chương trình, Hội thảo hôm nay các đại biểu sẽ tham gia thảo luận sâu về thực trạng văn hóa học đường hiện nay; phân tích thấu đáo các vấn đề đặt ra, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, căn cứ khoa học và kinh nghiệm của thầy cô giáo, các chuyên gia, hy vọng Hội thảo sẽ kiến nghị những giải pháp thiết thực, những chính sách nhằm tạo sự chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, hướng đến một môi trường văn hóa học đường tích cực.

  Trên cơ sở ý kiến đại biểu tại Hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền cần xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch về tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Tinh thần của Hội thảo cần được lan tỏa, được thảo luận rộng rãi trong các nhà trường, được cụ thể hóa thành các hành động cụ thể để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo lập được giá trị bản thân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Với ý nghĩa đó, tôi xin chúc Hội thảo hôm nay thành công tốt đẹp, chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cám ơn.

PV