Lắng nghe, cầu thị kịp thời

- Thứ Tư, 11/08/2021, 13:17 - Chia sẻ
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội sáng qua, 10.8 đã phát đi thông báo nhằm triển khai chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội trong việc thực hiện Công văn 2562 về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó có nội dung được người dân và dư luận rất đồng tình ủng hộ, đó là Hà Nội bỏ quy định người đi đường phải mang theo giấy tờ lịch làm việc, lịch trực.

Nhằm giảm lượng người ra đường, tận dụng khoảng thời gian “vàng” để thực hiện truy vết, khoanh vùng các ổ dịch và các nguồn có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, ngày 7.8, UBND Thành phố ban hành Công văn số 2562/UBND-KT. Theo văn bản này, người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm về cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.

Hà Nội triển khai kiểm tra giấy tờ người dân lưu thông trên đường | Xã hội  | Vietnam+ (VietnamPlus)
Hà Nội triển khai kiểm tra giấy tờ người dân lưu thông trên đường. (Ảnh nguồn:VietnamPlus)

Đáng chú ý, văn bản này quy định, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn. Quy định này đã gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp những ngày qua. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, công dân, đại diện doanh nghiệp tập trung đến phường để xin xác nhận giấy đi đường đó là sự quá tải đối với cán bộ, lãnh đạo phường. Bởi nhiệm vụ hiện nay của chúng ta tập trung nguồn lực cho việc phòng, chống dịch. Nếu lãnh đạo phường, cán bộ phường chỉ xử lý ngần ấy xác nhận giấy tờ đi đường cho người dân thì còn đâu thời gian mà phòng, chống dịch? Đó là thủ tục không cần thiết. Hơn nữa, việc tập trung người dân đến phường xin xác nhận như vậy không thể bảo đảm yêu cầu Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng là giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Quy định giấy đi đường phải có xác nhận của phường vô hình trung “tự mình tạo ra nguy cơ”. Bởi chỉ cần không may mắn có một ca F0 ở những nơi này sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh. Điều này không bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch.

Đáng nói là, dù có quy định người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích, thì việc quy định người đi đường phải mang theo lịch làm việc, lịch trực là không cần thiết, gây khó khăn cho công dân. Chính vì “đẻ” ra quá nhiều giấy tờ không cần thiết đã làm cho việc kiểm tra người đi đường tại các chốt bị ùn ứ, trở nên quá tải những ngày qua, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nguồn dịch cao.

Việc ban hành quy định để “siết” chặt hơn việc lưu thông trên đường được coi là một trong những biện pháp để ngăn chặn lây lan dịch. Điều này hoàn toàn đúng trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, thực tế đã có những địa phương đã trở nên cứng nhắc, đặt ra những quy định làm khó người dân, doanh nghiệp. Tình trạng xảy ra ùn tắc kéo dài khoảng 5-7km tại chốt kiểm soát ga Dụ Nghĩa (km 81-500) trên tuyến Quốc lộ 5, Hải Phòng ngày 1.8 vừa qua là một ví dụ. Nguyên nhân là do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hải Phòng chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc không kiểm tra xe có thẻ nhận diện có mã QR còn thời hạn tại chốt kiểm soát dịch, tỉnh này vẫn tổ chức kiểm tra dịch bệnh tại các chốt trên quốc lộ. Ngoài ra, mặc dù theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc chấp nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo cả 2 phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên thì Hải Phòng chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm theo phương pháp RT-PCR.

Các địa phương ban hành các quy định yêu cầu về phòng, chống dịch là rất cần thiết, cấp thiết nhưng phải bảo đảm không được ban hành “giấy phép con” làm khó cho người dân, doanh nghiệp. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ động thái chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt của các địa phương. Song việc siết quy định bởi những giấy tờ thủ tục không cần thiết chỉ làm cho tình hình “rối lại càng thêm rối”. Việc này cần phải được bãi bỏ.

Từ phản ánh của người dân về những bất cập trong triển khai thực hiện “giấy thông hành” trên địa bàn TP. Hà Nội, chỉ sau 3 ngày quy định “siết” giấy đi đường được ban hành, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản hủy bỏ quy định về việc người đi đường phải mang theo lịch làm việc, lịch trực.

Theo quy định mới này, từ ngày 10.8, người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân như: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu kèm theo Giấy đi đường đã được thành phố ban hành mà không cần phải xuất trình lịch trực, lịch làm việc tại các chốt kiểm soát trên địa bàn toàn thành phố.

Khi ban hành quy định, có thể chưa đánh giá hết tác động, chưa lường hết được hậu quả không mong muốn có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi triển khai nếu thấy quy định sai thì sửa; thấy vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp, không có lợi cho người dân cho doanh nghiệp thì kiên quyết dừng lại.

Việc sớm hủy bỏ quy định yêu cầu người đi đường phải mang theo giấy tờ về lịch làm việc, lịch trực của Hà Nội là rất đáng ghi nhận.  Đó cũng là một cách ứng xử văn minh của chính quyền – bài học về sự lắng nghe một cách cầu thị tiếng nói phản ánh của người dân từ thực tiễn cuộc sống.

Theo quy định mới của UBND TP. Hà Nội: với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và thuộc Hà Nội đóng trên địa bàn thành phố, người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường, đồng thời chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về chống dịch. Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ (được phép hoạt động) cấp giấy đi đường cho người lao động.

Để giám sát và hậu kiểm khi cần thiết, thành phố yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh (đảm bảo quy định chống dịch), gửi đến phường, xã để được xác nhận. Thành phố nêu rõ người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này.

UBND phường, xã có trách nhiệm xác nhận nhanh chóng, thuận tiện, theo hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở.

Song Hà