Làng nghề truyền thống lao đao vì Covid

- Thứ Sáu, 01/10/2021, 06:51 - Chia sẻ
Vốn được xem là ngành truyền thống chủ lực, thế mạnh tạo việc làm cho hàng triệu hộ gia đình, tuy nhiên trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều làng nghề rơi vào tình cảnh hàng làm ra không bán được, nguồn thu bị giảm, gánh nặng trả nợ đè nặng lên vai các hộ gia đình làm nghề.

Ảm đạm vì dịch bệnh

Viforest vừa đề nghị Chính phủ nâng hạng ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế; các địa phương tạo điều kiện nhanh nhất và bảo đảm nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ, trước tiên ưu tiên 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp. 

Huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc vốn nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống, trong đó nghề gỗ là thế mạnh khi có tới 70% dân số thị trấn làm nghề mộc. Nhờ nghề mộc, cuộc sống của nhiều người dân thị trấn Yên Lạc đổi đời. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ dân làm nghề mộc ở đây trầm lắng hơn mọi năm. “Chưa khi nào hoạt động của làng nghề lại ảm đạm như 3 tháng trở lại đây. Doanh thu, đơn đặt hàng, lượng khách đến hỏi mua giảm 1/3 so với cùng kỳ các năm trước. Mọi năm những tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng bán từ 250 - 300 sản phẩm cho doanh số 800 - 1 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, dù đã cuối tháng 9 nhưng các đơn hàng đặt cho dịp Tết nguyên đán hầu như không có. Lác đác mỗi hộ được một vài đơn lẻ từ các hộ gia đình xây dựng nhà mới” - ông Nguyễn Thanh Phúc chủ cơ sở gỗ và nội thất gia đình thị trấn Yên Lạc cho biết.

Giảm doanh thu không chỉ là câu chuyện làng nghề gỗ Yên Lạc, Vĩnh Phúc mà còn là câu chuyện chung của nhiều làng nghề gỗ hiện nay. Khảo sát tại 6 làng nghề gỗ vùng đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm) do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest) thực hiện cho thấy, hiện dù đã có khoảng  46% số hộ tại các làng nghề gỗ đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất “cầm chừng” với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận. Làng có số hộ quay lại sản xuất cao nhất đạt 80% (La Xuyên) và làng thấp nhất chỉ đạt 30% (Đồng Kỵ).

Không riêng làng nghề gỗ, ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến không ít làng nghề truyền thống khác rơi vào tình cảnh “khóc ròng” đứng trước nguy cơ phá sản vì hàng làm ra không bán được. Xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội với 7/7 thôn có nghề truyền thống như đồ gỗ, sơn mài, khảm trai... Đây vốn được xem là xã có nhiều thế mạnh, kinh tế hộ gia đình phát triển nhờ nghề truyền thống. Tuy nhiên, đến nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện có hơn 700 cơ sở sản xuất khảm trai, đồ gỗ phải ngừng hoạt động, hơn 500 cơ sở sản xuất sơn mài xuất khẩu hoạt động cầm chừng.

Các làng nghề lao đao do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Nguồn: ITN  

Cần chính sách trợ lực riêng

Trước ảnh hưởng dịch Covid-19  từ tháng 7 đến nay, Chính phủ đã ban hành  2 nghị quyết (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 và Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9.9.2021) nhằm hỗ trợ các nhóm đối tượng chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đa phần các hộ gia đình làm nghề truyền thống không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế nên nằm ngoài tiêu chí được hỗ trợ được quy định trong các nghị quyết nêu trên.

Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ tại các làng nghề có quy mô nhỏ lẻ, tự phát, tận dụng lao động của gia đình... Hầu hết các hộ không đăng ký thực hiện kinh doanh với cơ quan quản lý, không đăng ký thuế, không đóng thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Các hộ sản xuất chỉ đóng lệ phí môn bài, với mức đóng thấp nhất nhằm tiết kiệm chi phí, thậm chí, một số hộ không đóng. Cũng vì thiếu tính chính danh nên đã không đáp ứng về mặt thủ tục và phải đứng ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trước khó khăn của các làng nghề, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần có những chính sách trợ lực riêng để hỗ trợ hộ gia đình làm nghề vượt qua thách thức vì dịch. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành để hỗ trợ các làng nghề vượt qua đại dịch. Trong đó, các ngân hàng cần tiếp tục xem xét nới lỏng các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp làng nghề. Mặt khác, các làng nghề cần nỗ lực duy trì sản xuất vượt qua bão dịch. Đây cũng là cơ hội để các làng nghề tập trung nâng cao tay nghề, kỹ thuật sản xuất, tìm ra những nguyên liệu mới để nâng cao chất lượng sản phẩm

Thái Yến