Lắng nghe từ những điều nhỏ nhất

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 05:58 - Chia sẻ
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về công tác xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động phải chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian tới tại các địa phương. Theo đó, các chính sách không chỉ hỗ trợ về tài chính mà cần chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng.
Doanh nghiệp Việt tiếp tục gặp khó khăn khi phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4

Hàng nghìn tỷ đồng tới tay người lao động và doanh nghiệp

Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chính sách cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, đến nay, đã có 31/63 tỉnh, thành phố phê duyệt hồ sơ cho vay để trả lương cho 34.895 lao động của 220 người sử dụng lao động, với nhu cầu vay 188,35 tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho 123 đơn vị vay trả lương cho 26.547 lao động với tổng số tiền trên 102,5 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đến ngày 4.8, đã có 17/63 tỉnh, thành phố phê duyệt hỗ trợ trên 24.200 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đã chi trả hỗ trợ cho trên 7.100 hộ với tổng số tiền gần 15,8 tỷ đồng. Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc triển khai ở tất cả các đối tượng trong thời gian ngắn nhất và thủ tục đơn giản nhất.

Theo thông tin về việc triển khai các chính sách hỗ trợ tới người lao động và người sử dụng lao động trong cả nước tính đến 5.8 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), ngành đã thực hiện xong việc gửi thông báo giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động được điều chỉnh giảm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7.2021 đến tháng 6.2022) khoảng 4.322 tỷ đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động (mua trang thiết bị phòng dịch, tiêm vaccine…).

Tính đến ngày 5.8, cơ quan BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 184 đơn vị với 23.637 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 150,1 tỷ đồng tại 28 tỉnh, thành phố. Đồng thời, xác nhận danh sách cho 209.491 lao động của 12.271 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 59/63 tỉnh, thành phố.

Thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những chính sách về hỗ trợ người lao động và cho vay tín dụng để trả lương đã phần nào giúp đỡ được các doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong thời gian khó khăn về dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới nhất tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương diễn ra vào sáng ngày 8.8, Bộ trưởng cho rằng, các chính sách phải xây dựng dựa trên sự thấu hiểu nhu cầu thực tế của đối tượng.

Theo Bộ trưởng, vấn đề sống còn của các doanh nghiệp chính là duy trì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa, nhưng đồng thời phải bảo đảm, duy trì cung ứng lao động. Đây là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt đối với một số quốc gia có dân số đông, dân số trẻ nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại cao và có tình trạng di chuyển lao động từ thành thị về nông thôn.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã kiến nghị với Chính phủ rà soát toàn bộ chính sách hiện tại, đề xuất chính sách mới có tính chất căn cơ, chính sách trước mắt và lâu dài để phục hồi sản xuất, phục hồi doanh nghiệp phát triển, trong đó coi trọng chính sách tài khóa - chính sách hàng đầu các quốc gia đang thực hiện.

Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ ngoài việc chăm lo tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, đối tượng yếu thế và người già, người cao tuổi, cần ưu tiên tiêm vaccine cho khu vực tăng trưởng, cho đội ngũ công nhân khu công nghiệp, chuỗi cung ứng, lao động trong lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ dịch bệnh cao, cho đội ngũ chuyên gia. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động tìm đến các đối tượng hỗ trợ, không thụ động chờ đợi; tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống, nhu cầu của mọi đối tượng, gắn với đó là vận động cộng đồng, toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ đang đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Bộ trưởng mong muốn doanh nghiệp thẳng thắn bày tỏ những khó khăn đặc biệt về quyết toán thuế 2020 để tìm giải pháp tháo gỡ cũng như hoàn thiện thủ tục để tiếp cận nguồn vay chính sách.

__________

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NĐ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương