Lãng phí lương thực, thực phẩm từ đồng ruộng tới bàn ăn

- Thứ Tư, 05/06/2013, 08:31 - Chia sẻ
Chung tay bảo vệ môi trường đang là vấn đề bức thiết hiện nay. Bảo vệ môi trường không chỉ là những hành động phòng chống ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp mà còn từ những hành vi tiết kiệm, chống lãng phí lương thực, thực phẩm…
 

Thất thoát trong sản xuất

Mặc dù cho tới nay chưa có số liệu chính thức, song qua đánh giá thực tiễn và ước tính của các chuyên gia những thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ ở nước ta thuộc loại cao nhất thế giới. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, vựa lúa lớn nhất cả nước ĐBSCL, hàng năm bị thất thoát do rơi vãi trong khâu thu hoạch khoảng 3 triệu tấn; tỷ lệ thất thoát lúa theo từng vụ mùa có thể lên tới 12%.

Theo tính toán sơ bộ, tổn thất sau thu hoạch ở nước ta là khá lớn, trong đó thất thoát khâu thu hoạch khoảng 3%, khâu phơi sấy trên 4,2%, xay xát 3%, bảo quản 2,6% và vận chuyển gần 1%. Những con số định tính về các thất thoát sau thu hoạch xảy ra không phải do thực phẩm bị rơi vãi mà đơn thuần là do tỷ lệ thu được quá thấp trong các công đoạn xử lý sau thu hoạch. Điều đáng nói là thất thoát lương thực còn thể hiện ở chất lượng và khả năng xuất khẩu sản phẩm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thất thoát, lãng phí lương thực. Đó là sử dụng các giống cây trồng kém, kỹ thuật canh tác, thu hoạch thủ công… Để khắc phục những thất thoát, lãng phí sau thu hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thì trước hết phải hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch. Theo thống kê đến nay, riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa thu hoạch lúa đáp ứng khoảng 800 ngàn hécta trong vụ đông xuân, tuy tăng gấp ba lần năm 2007 nhưng chỉ đáp ứng được 51% nhu cầu cơ giới hóa.

Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không đúng cách cũng là giải pháp để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường. Thực tế trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ngày càng gia tăng, trong đó có rất nhiều thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi trên thị trường. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất và nuôi trồng đã dẫn đến hậu quả nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng ruộng bị ô nhiễm và điều đương nhiên, các sản phẩm không tiêu thu được, không chỉ gây lãng phí rất lớn mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

 
Nguồn: foerstel.com

Lãng phí khi tiêu dùng

Sản xuất lương thực, thực phẩm làm sao để bảo đảm sinh kế của người dân và tiêu dùng bền vững là vấn đề tối quan trọng. Theo Ts Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, ô nhiễm môi trường không chỉ thể hiện ở các dòng sông chết hay khói bụi trong không khí mà thực chất chính thói quen lãng phí thực phẩm cũng gây tác động xấu tới môi trường sống. Chính vì vậy, bên cạnh việc sản xuất xanh rất cần phải tiêu thụ xanh.

Thực tế cho thấy, sản xuất lương thực, thực phẩm tiêu tốn diện tích đất, nguồn nước và phát sinh nhiều khí thải. Để sản xuất ra 1kg thóc hay 7 lạng gạo cũng mất gần 1,5 ngàn lít nước. Song, lãng phí thực phẩm không chỉ khiến tài nguyên cạn kiệt mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, lượng thực phẩm mỗi ngày bị lãng phí được tập hợp, thu gom lại sẽ phát sinh nhiều khí mê tan gây hiệu ứng nhà kính và tạo điều kiện cho vi khuẩn độc hại phát triển. Đáng nói là cho tới nay công nghệ xử lý rác thải ở nước ta vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Trong những năm gần đây, thức ăn thừa rất dễ thấy ở nhiều trên bàn ăn của các bữa tiệc tùng, đặc biệt là tại các nhà hàng, khách sạn lớn. Điểm đến của thức ăn thừa là bãi rác. Để thừa thức ăn trở thành một thói quen tiêu dùng của không ít gia đình. Đơn cử như việc không muốn sử dụng thực phẩm thừa từ bữa ăn trước hay thói quen “thừa còn hơn thiếu” của nhiều thực khách, ngại mang về khi không dùng hết tại các nhà hàng. Thực tế, có những nhà hàng với lượng thức ăn thừa mỗi tháng lên tới hàng trăm chiếc thùng rác dung tích lớn. Đôi khi chỉ vì lý do “đẹp mâm cơm” mà nhiều người đã không lường trước được những tác động xấu của việc lãng phí thức ăn tới môi trường sống. Bên cạnh đó, sự lãng phí trong quá trình cung ứng thực phẩm trong các siêu thị, nhà hàng cũng là điều rất đáng lo ngại. Không ít nhà hàng, khách sạn hay siêu thị buộc phải thải bỏ các thực phẩm bị ôi, hỏng do lưu trữ quá nhiều chưa sử dụng đến.

Tiêu thụ thực phẩm thông minh là thông điệp mà các chuyên gia môi trường gửi tới cho cộng đồng nhằm tránh sự thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, mỗi người cần thay đổi thói quen, nêu cao trách nhiệm và đạo đức trong sản xuất và tiêu thụ thực phẩm.

 Hành động nhỏ sẽ tạo nên ảnh hưởng lớn

Bạn có cho rằng mình là một người tiêu dùng có ý thức? Bạn cố gắng để tiết kiệm tối đa lượng nước, tắt đèn khi không dùng, sử dụng hiệu quả nhiên liệu khi lái xe và tránh đưa ra những sự lựa chọn lãng phí?

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng bạn đã vô tình góp phần tạo nên sự lãng phí trên toàn cầu, trong đó gần một nửa thực phẩm bạn mua đã bị vứt đi trước khi chúng được sử dụng. Bạn biết không, điều đó có thể thay đổi và những hành động nhỏ sẽ tạo nên ảnh hưởng lớn.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc - UNEP 2013

Thu Trang