Lãng phí nguồn năng lượng từ phụ phẩm lúa gạo

- Thứ Hai, 13/05/2013, 10:06 - Chia sẻ
Theo các nhà khoa học, năng lượng từ phụ phẩm lúa gạo của Việt Nam (rơm rạ, trấu) ước tính đóng góp tới 20% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp ở Việt Nam. Nếu tận dụng được phụ phẩm lúa gạo cho sản xuất năng lượng sẽ mang lại nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ, đồng thời giảm thiếu ô nhiễm môi trường.

Là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu lúa gạo, với sản lượng xấp xỉ 40 triệu tấn/năm, Việt Nam có tiềm năng rất dồi dào về sinh khối từ rơm rạ và trấu. Lượng sinh khối từ phụ phẩm lúa gạo này được ước tính chiếm tới 64% các nguồn sinh khối ở nước ta. Tuy nhiên, tình hình sử dụng các nguồn phụ phẩm này còn chưa thực sự hiệu quả. Theo ông Đỗ Đức Tưởng (Tổ chức phát triển Hà Lan), ước tính mỗi năm Việt Nam sản xuất ra xấp xỉ 40 triệu tấn sinh khối từ phụ phẩm lúa gạo, bao gồm 32 triệu tấn rơm rạ và 8 triệu tấn trấu. Tổng năng lượng lý thuyết tiềm năng từ phụ phẩm lúa gạo là khoảng 13,34 Mtoe (toe là đơn vị tính năng lượng quy đổi tương đương với 1 tấn dầu). So với tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam năm 2010 là 47 Mtoe, thì riêng rơm rạ và trấu đã có thể đáp ứng được 28% nhu cầu này.



Nguồn: khoahoc.com.vn

 

Tuy có nguồn năng lượng từ sinh khối dồi dào, song thời gian qua Nhà nước thiếu quan tâm tới các nguồn năng lượng sinh khối sẵn có. Đóng góp của những nguồn sinh khối này trong tổng số năng lượng được sử dụng ngày càng giảm, từ 78% năm 1990 xuống còn 39% năm 2009. Những năm gần đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, các đô thị lớn lại chứng kiến cảnh khói bay mù mịt từ những cánh đồng ven đô đưa vào do người nông dân đốt rơm rạ gây ra. Việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng là rất lãng phí nguồn năng lượng khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông do hạn chế tầm nhìn.

Hiện tượng đốt rơm rạ rất phổ biến ở khắp các đồng quê Việt Nam sau mỗi vụ thu hoạch. Một khảo sát do ông Đỗ Đức Tưởng và cộng sự thực hiện với 90 hộ gia đình về tình hình sử dụng rợm rạ và trấu tại Thái Bình, Quảng Bình và Cần Thơ cho thấy, ở Cần Thơ, 86% lượng rơm rạ bị đốt bỏ, chỉ có 12% được vùi xuống đất làm phân. Trong khi đó, ở Thái Bình, hiện tượng đốt rơm rạ cũng khá phổ biến, với 36% lượng rơm rạ bị đốt bỏ. Một hộ gia đình ở Cần Thơ mỗi năm có thể đốt nhiều nhất tới 32 tấn rơm rạ, hay ít nhất là 5 tấn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, không hộ gia đình nào ở Cần Thơ hay Quảng Bình còn sử dụng rơm rạ cho việc đun nấu nữa. Vấn đề đặt ra là, trong khi năng lượng của chúng ta ngày càng thiếu hụt thì người dân lại đang “vứt bỏ” một nguồn năng lượng lớn từ việc đốt rơm rạ.

Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tiên phong đầu tư phát triển các nhà máy nhiệt điện đốt trấu ở miền Nam, đặc biệt là ĐBSCL. Hiện các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… đã và đang có các nhà máy nhiệt điện đốt trấu với công suất thiết kế khoảng 10MW. Theo số liệu tính toán, cứ 5kg trấu tạo ra 1KW điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn trấu mỗi năm thu lại được hàng trăm MW điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Bên cạnh một phần trấu đã được tận dụng làm nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, nguồn năng lượng sinh khối từ rơm rạ còn lại gần như vẫn bị bỏ phí!

Tận dụng nguồn sinh khối rơm rạ, trấu dồi dào, sẵn có, rẻ tiền để sản xuất năng lượng là một trong những giải pháp cần được chú trọng trong quá trình đối phó với thiếu hụt năng lượng quốc gia trong những thập kỷ tới. Các chuyên gia về năng lượng cho rằng, Nhà nước cần hình thành hệ thống chính sách nhằm sử dụng thúc đẩy năng lượng sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp, trong đó có phế phẩm lúa gạo nhằm phục vụ tốt hơn cho phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống cộng đồng. Trong đó, trọng tâm là cần có chính sách hỗ trợ hình thành thị trường năng lượng sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp tại các địa phương có nhiều nguyên liệu đầu vào, từ đó thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư công nghệ, dây chuyền biến các phụ phẩm bỏ đi thành năng lượng, điện năng phục vụ đời sống và sản xuất. Đây sẽ là hướng phát triển năng lượng bền vững góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước và gia tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Tự Cường