Lãng phí thực phẩm - do đâu?

- Thứ Tư, 05/06/2013, 08:26 - Chia sẻ
Bản báo cáo mới công bố đầu năm 2013 của Viện Kỹ sư Cơ khí Anh (ImechE) đã đưa ra một thống kê “giật mình”: khoảng 30 - 50% thực phẩm được sản xuất ra trên khắp thế giới mỗi năm, tương đương 1,2 - 2 tỷ tấn đã không đến được bát ăn, mà kết thúc vòng đời trong các thùng rác…

Từ năm 2009, EU đã phải hủy tiêu chuẩn tiếp thị đối với 26 loại rau, củ, quả. Giờ đây, củ cải đỏ có hai rễ, dưa chuột cong và cà rốt chẽ đuôi vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên đó chỉ là quy định của nhà quản lý còn các siêu thị cũng như các nhà chế biến thực phẩm thì vẫn giữ các quy định khắt khe của riêng họ.

Khoảng một nửa số khoai tây ở Đức bị loại bỏ ngay trên đồng ruộng chỉ vì củ quá lớn, quá bé hoặc vì bất cứ lý do gì khiến chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà thu mua. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Anh, khi có tới 30% lượng rau, củ, quả trồng ở nước này không bao giờ được sử dụng, đa số bị bỏ lại trên đồng ruộng hoặc bị các siêu thị từ chối chỉ vì không đảm bảo yếu tố hình thức.

Những quy định về tiêu chuẩn của thực phẩm, vốn không liên quan gì đến chất lượng, ở các nước giàu đang ảnh hưởng tới cả thế giới. Người nông dân Camơrun làm việc ở đồn điền chuối phải loại bỏ nhiều nải chuối chỉ vì không đạt tiêu chuẩn của khách hàng châu Âu.

Sự lãng phí “điên rồ” còn tiếp diễn khi sản phẩm đến tay nhà buôn, tới các siêu thị, nhà hàng và người tiêu dùng. Thực phẩm không đảm bảo hình thức hoặc gần hết hạn nhưng vẫn còn sử dụng tốt bị loại bỏ không thương tiếc. Các nhà nghiên cứu về thực phẩm cho rằng, những quy định máy móc về thời hạn trên nhãn mác thực phẩm là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng lãng phí này. Theo họ, không phải tất cả những gì ghi trên nhãn mác thực phẩm đều thực sự bắt buộc. Mặt khác, thời hạn sử dụng ghi trên nhãn mác, thường gắn với chữ “best before” (sử dụng tốt nhất trước ngày…) không có nghĩa khi hết thời hạn đó thực phẩm bị hư hỏng không thể sử dụng được mà chỉ là sự bảo đảm của nhà sản xuất rằng, sản phẩm của họ vẫn giữ được nguyên vẹn chất lượng cho đến thời hạn đó.

Tại các nước phát triển, hiện tượng lãng phí cũng xảy ra do cung vượt quá cầu. Nông dân những nước này thường sản xuất nhiều hơn lượng hàng hóa cần thiết để phòng tình trạng thiếu hụt nguồn cung do thời tiết xấu, vận chuyển khó khăn... Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, lãng phí thực phẩm chủ yếu xuất phát từ tình trạng hạ tầng yếu kém. Đường sá không tiện lợi, các cơ sở chế biến và đóng gói thực phẩm, các kho chứa... không đủ năng lực bảo quản hàng hóa tươi ngon lâu, đã khiến một phần lớn thực phẩm bị loại bỏ trên đường từ cánh đồng đến siêu thị.

PV tổng hợp - Nguồn: UNEP