Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi):;

Lao động ra nước ngoài thì địa phương hết trách nhiệm?

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 18:38 - Chia sẻ
Chiều 23.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến, thảo luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Điều chỉnh lao động đi làm việc theo thời vụ

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với 22 nội dung cụ thể tại 29 điều, khoản. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát tiếp thu, chỉnh lý tại 39 điều khác của dự thảo Luật; rà soát, chỉnh lý kỹ thuật đối với toàn bộ dự thảo Luật để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội bảo đảm rõ ràng về văn phong, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 8 Chương và 76 điều, giảm 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín (bãi bỏ 5 Điều, bổ sung mới 1 Điều và tách 2 Điều). So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 34 điểm mới, thuộc 8 nhóm nội dung lớn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Trong đó, về đối tượng điều chỉnh, tại Kỳ họp thứ Chín, một số ĐBQH đề nghị bổ sung người lao động đi làm việc ở nước ngoài là du học sinh, người đi thăm thân, lao động đi làm việc theo kỳ nghỉ, lao động dịch chuyển trong ASEAN để thuận lợi trong việc hướng dẫn thực hiện. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, các đối tượng này rất đa dạng và các nước cũng quy định khác nhau về lao động, việc làm. Khi người lao động này kiếm được việc làm ở nước ngoài, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật nước sở tại, điều ước, thỏa thuận quốc tế có liên quan, nếu họ thực hiện đăng ký trực tuyến thông tin về hợp đồng lao động và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật này thì sẽ được hưởng các quyền, lợi ích tương tự như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Điều 55 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng này và giao Chính phủ quy định chi tiết. 

Các ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An)… tán thành với việc đưa các đối tượng này vào điều chỉnh tại dự án Luật. Theo ĐB Nguyễn Tạo, trong quá trình hội nhập quốc tế, cũng như trong giao lưu, hợp tác giữa Cộng đồng ASEAN về kinh tế, xã hội, những người thăm thân, du học sinh, làm việc theo kỳ nghỉ, lao động dịch chuyển xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Việc bổ sung quy định về đối tượng này vào dự thảo Luật cần trên tinh thần Việt Nam càng ngày có uy tín trong khu vực và trên thế giới, theo nguyên tắc có đi, có lại, cùng có lợi cho các bên liên quan. Tuy nhiên, một số ĐBQH cho rằng, quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa xác định rõ nhóm đối tượng lao động này được quyền và nghĩa vụ nào, cũng như trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý đến đâu. 

Tại Kỳ họp thứ Chín, một số ĐBQH đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nguyên tắc về việc quản lý lao động khu vực biên giới khi đi lao động ở nước tiếp giáp để có căn cứ cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là vấn đề phức tạp, đan xen giữa các loại hình lao động qua biên giới với các nước láng giềng và rất đa dạng, gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ theo từng địa bàn. Chính phủ đã cân nhắc nhiều lần về vấn đề này và đã không đưa vào dự thảo Luật khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, để tránh khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp.

Nhất trí với phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, tuy dự thảo Luật chưa điều chỉnh vấn đề người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo xu hướng dịch chuyển lao động trong khu vực nhưng không có hợp đồng lao động nhưng việc bảo vệ đối tượng này cần được đặt ra. Theo đó, Chính phủ cần phối hợp với các nước trong khu vực, nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, từng bước tạo hành lang pháp lý phù hợp. “Vấn đề này cần được nghiên cứu sớm để giúp người lao động phi chính thức được bảo vệ theo tinh thần của Bộ luật Lao động”, ĐB Nguyễn Sơn nhấn mạnh.

Có nên giới hạn số chi nhánh của doanh nghiệp?

Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) tại Điều 17, dự thảo Luật quy định theo hướng hạn chế số lượng 3 chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không hạn chế số lượng chi nhánh đối với các ngành, nghề kinh doanh khác của doanh nghiệp. Lý do là bởi báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành đã chỉ rõ tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này chủ yếu xảy ra tại các chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ. Nếu để quá nhiều chi nhánh của doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ này trong bối cảnh năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn hạn chế thì không tránh khỏi tình trạng khó kiểm soát, tiêu cực, lừa đảo đã xảy ra thời gian qua.

Không tán thành với việc giới hạn số lượng chi nhánh của doanh nghiệp, các ĐB Nguyễn Thị Mai Phương, Nguyễn Sơn… cho rằng, để có thêm cơ hội lựa chọn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì cần có nhiều hình thức, tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ. Việc hạn chế số lượng chi nhánh của doanh nghiệp, cũng như số lượng đơn vị được cung cấp dịch vụ này một mặt hạn chế cơ hội của người lao động, mặt khác không phù hợp với quy luật của thị trường.

Nhất trí với phương án doanh nghiệp dịch vụ được có tối đa 3 chi nhánh thực hiện dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nếu nhiều chi nhánh hơn được thực hiện nhiệm vụ này sẽ dễ có những doanh nghiệp "ma" lừa gạt người lao động như thời gian qua còn doanh nghiệp mẹ thì không quản lý được.

ĐB Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan về trách nhiệm quản lý Nhà nước. Dự thảo Luật phải quy định rõ ràng, trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, có phân công cụ thể, để khi có sự cố xảy ra, không đổ trách nhiệm cho nhau. Lưu ý hiện tượng lao động bỏ trốn, lao động bị xâm hại, lao động bị ép làm việc quá giờ quy định... xảy ra do chế tài của Luật hiện hành chưa thuyết phục, ở mỗi địa phương có nơi làm tốt, nơi chưa tốt, ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, không phải cứ đưa lao động đi ra nước ngoài làm việc xong là hết việc của địa phương, mà phải chịu trách nhiệm từ lúc lao động ra đi, cho đến lúc về có việc làm ổn định. "Có như thế mới thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn của cơ quan quản lý Nhà nước”, ông nói. 

P.Thủy