Lao động tự do chật vật mưu sinh

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:38 - Chia sẻ
Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều lao động tự do ở Hà Nội gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cuộc sống của họ vốn đã chật vật nay càng khó trăm bề…

Gánh hàng rong long đong

Mồng 6 Tết, các cơ quan, công sở bắt đầu đi làm lại, chị Nguyễn Thị Nhung (Thanh Hóa) cũng ra Hà Nội bắt đầu công cuộc mưu sinh. Trước đây, chị bán ngô, khoai luộc ở phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND TP Hà Nội đã quyết định tạm dừng hoạt động các quán trà đá, quán ăn vỉa hè, hàng rong trên đường phố. Gắn bó với các con đường, ngõ ngách của Thủ đô gần 10 năm, chưa bao giờ gánh hàng rong của chị Nhung lại khó khăn như thời gian qua.

Chị Nhung cho biết, thu nhập của cả gia đình chị chủ yếu trông cậy vào gánh hàng rong này. Năm ngoái, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên gánh hàng rong của chị cũng phải nghỉ nhiều tháng. Không được bán hàng đồng nghĩa với việc không có thu nhập. “Không buôn bán được gì nhưng tiền nhà trọ, điện nước, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí vẫn phải chi hàng ngày, tôi sốt ruột lắm nhưng không biết cách nào. Thời điểm khó khăn năm 2020 còn có cây ATM gạo miễn phí, mấy chị em còn xếp hàng nhận gạo cứu trợ, còn đợt này thì khó trăm bề”, chị Nhung than thở.

Dịch Covid-19 khiến lao động tự do thiếu việc Ảnh: Xuân Mai
Dịch Covid-19 khiến lao động tự do thiếu việc
Ảnh: Xuân Mai

Cùng xóm trọ với chị Nhung, chị Thanh cũng làm nghề bán hàng rong. Chị Thanh nhẩm tính, trước đây, ngày nào chị cũng dậy từ 4 giờ sáng, chạy xe hơn 10 cây số lấy hàng về đi bán dạo. Mỗi ngày, chị kiếm được khoảng 250 - 300.000 đồng. Các chị thuê nhà trọ chung và sống tằn tiện, mỗi tháng cũng tiết kiệm được 3 - 4 triệu đồng gửi về quê cho chồng con. Nhiều người bán hàng rong cùng ở trong xóm chị đã về quê chờ Hà Nội hết lệnh đóng cửa hàng quán vỉa hè sẽ lên lại, nhưng chị Nhung và chị Thanh còn nấn ná vì quê xa, mỗi lần đi lại tốn kém và tuần này lại nuôi hy vọng sang tuần kia được đi bán hàng trở lại.

Lao động tự do ế ẩm

Có mặt từ sáng sớm ở chân Cầu Chui (Long Biên, Hà Nội), anh Trần Văn Tiến quê ở Nam Định cùng với nhiều lao động tự do khác chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để được thuê mướn. Hai vợ chồng anh lên Hà Nội với hy vọng bán sức kiếm sống. Từ đào móng, phụ hồ, đến dọn dẹp nhà cửa theo giờ… có người thuê là vợ chồng anh đều nhận. Nhưng từ Tết đến nay, vợ chồng anh vẫn chưa “mở hàng”, vật vờ mãi mà không ai thuê. Vợ anh Tiến trước bán hàng rong, nay buộc phải nghỉ, chuyển sang làm nghề dọn nhà thuê theo giờ, theo ngày, nhưng từ Tết đến nay mới chỉ có một người thuê vì đa phần người dân sợ người lạ đến nhà có thể lây nhiễm dịch bệnh.

Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 do ActionAid Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đối với lao động phi chính thức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhóm đối tượng là nữ giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên bốn khía cạnh: Việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình.

Chưa bao giờ, đội quân lao động tự do, hay lao động mùa vụ, rơi vào tình trạng ế ẩm như hiện nay. Khu chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) vắng khách, hàng chục người làm nghề bốc vác thuê đã phải chuyển sang làm xe ôm hay vận chuyển hàng. Dù có chuyển nghề, nhưng tất cả lao động tự do cũng không thể kiếm ra thu nhập vì không có người thuê. 

Anh Trần Đình Tùng (quê Vĩnh Phúc) làm nghề xe ôm công nghệ, nếu ai thuê chở hàng hay bốc vác cũng sẵn sàng làm để có thêm thu nhập. Trước đây, thời điểm ra Tết khách đi xe ôm đông, làm cả ngày đêm đến mệt thì nghỉ, nhưng nay cả ngày chỉ được vài cuốc xe ôm ngắn. “Tôi cố gắng lắm cũng chỉ kiếm đủ tiền để ăn dè, ở ghép, chờ ngày hết dịch. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người dân hạn chế ra ngoài nên chúng tôi không có việc làm. Chỉ thương vợ con ở quê, ngày đêm mong ngóng bố đi làm gửi tiền về trong khi tôi vật vờ trên này…”.

Cũng như anh Tùng, anh Tiến, chị Thanh, chị Nhung... những người lao động tự do từ các tỉnh xa về Hà Nội mưu sinh đều đang trong tình trạng chờ việc, cố gắng chống chọi, hy vọng vượt qua được khó khăn trước mắt. Tất cả đều mong dịch bệnh mau chóng được kiểm soát để mọi hoạt động sớm trở lại bình thường.

Xuân Mai