Lấp “khoảng trống” pháp luật

- Thứ Tư, 09/10/2019, 08:03 - Chia sẻ
Hiện đang có “khoảng trống” trong xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi này, dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý hình sự nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất cần thiết. Đây là ý kiến của đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại Phiên họp toàn thể lần thứ 15 vừa qua.

Ngăn chặn nguy cơ bỏ lọt tội phạm

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thực hiện Luật cũng đã bộc lộ một số bất cập, có khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 không có quy định xử lý hình sự đối với vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng trở lên. Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, hiện đang có “khoảng trống” trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, vận chuyển trái phép vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Hà An

Bộ Công an cho biết, từ khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 230 vụ với 321 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển quân dụng. Trong đó có 11 vụ với 13 đối tượng phải đình chỉ khởi tố vụ án; 19 vụ với 32 đối tượng đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt, chưa chấp hành hình phạt, đang hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà được miễn chấp hành hình phạt còn lại; 104 vụ, với 157 đối tượng đã khởi tố, điều tra, những đối tượng này tuy có sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nhưng khởi tố với tội danh khác như giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng; 96 vụ với 119 đối tượng xử phạt hành chính.

Nhận định về hậu quả nghiêm trọng của những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các loại vũ khí này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, thực tế công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ trước đến nay đã cho thấy, đây là loại tội phạm nghiêm trọng. Đa phần đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu. Các loại vũ khí mà đối tượng sử dụng (súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế, súng bắn đạn hoa cải…) có tính sát thương cao khi sử dụng thực hiện tội phạm với mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. “Nếu không khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải trả tự do, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại cho các đối tượng này sẽ gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, không bảo đảm tính răn đe nghiêm minh của pháp luật”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Chính vì “khoảng trống” này mà từ ngày 1.7.2018 đến nay, cơ quan điều tra cũng không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được đối với các đối tượng này hoặc nếu đang điều tra, truy tố thì phải đình chỉ. Nếu đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành hình phạt còn lại. Nếu đã kết án mà chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không khắc phục sẽ dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm, gây mất trật tự, an toàn xã hội. 

Có liệt kê được hết các loại vũ khí?

Nhất trí với việc sửa đổi Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Bộ Quốc phòng Bùi Trọng Vĩnh nhận định, Bộ luật Hình sự chưa có quy định xử lý vấn đề này, do đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Quốc phòng, cũng như Cơ quan điều tra Bộ Công an thực sự vướng mắc trong xử lý các đối tượng vi phạm. Nhấn mạnh, không để khoảng trống pháp luật trong phòng, chống và xử lý tội phạm, đặc biệt đối với các tội phạm an ninh quốc gia và xâm phạm an ninh quân đội, ông Vĩnh đề nghị, cần thiết phải sửa đổi Khoản 2, Khoản 6, Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để tháo gỡ vướng mắc trong xử lý các tội phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Đồng tình cần sửa đổi Điều 3 của Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho rằng, “nếu chậm sửa đổi Luật ngày nào trật tự an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp thêm, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của lực lượng khi thực hiện nhiệm vụ”. Tuy vậy, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hải Hưng băn khoăn với quy định của dự thảo Luật. Điều 1 của dự thảo Luật quy định mang tính liệt kê các loại vũ khí. Theo đó, vũ khí quân dụng là vũ khí bao gồm vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của luật này để thi hành công vụ, bao gồm: súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng chống tăng, súng phóng lựu… Vũ khí hạng nhẹ gồm: súng đại liên... Vũ khí hạng nặng gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi…

Việc liệt kê tên các vũ khí như dự thảo Luật theo ông Nguyễn Hải Hưng là “không cần thiết”. Bởi liệt kê như vậy cũng vẫn còn thiếu nhiều loại vũ khí. Ví dụ, súng cầm tay còn có súng đại liên, hay súng chống tăng còn có B40, B41… Nếu liệt kê sẽ rất nhiều, hoặc sau này trang bị vũ khí mới thì lại thiếu trong luật. Trong khi đó, ĐBQH Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, cần làm rõ khái niệm, thế nào là vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và làm rõ nội hàm của “tính năng tác dụng tương tự”… Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hải Hưng cho rằng, điều quan trọng khi sửa Luật là phải xác định được các loại vũ khí tương tự như vũ khí quân dụng và phải quy định được các loại vũ khí này để có cơ sở xử lý tội danh liên quan đến các loại vũ khí này. 

Hà An