Sổ tay:

Lấp khoảng trống pháp luật

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:31 - Chia sẻ
Mặc dù có chuyển biến tích cực, song do pháp luật về phòng chống mại dâm chưa hoàn thiện, các địa phương, cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý nên tệ nạn mại dâm ở nước ta vẫn tiềm ẩn phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi...

Thực hiện Kế hoạch 196/KH-BCA-C41 ngày 29.6.2016 về phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Công an, công tác phòng, chống mại dâm đã được công an các địa phương tăng cường, triển khai mạnh mẽ. Trong 5 năm, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã trực tiếp và phối hợp các địa phương đấu tranh khám phá 43 vụ, khởi tố 52 bị can, xử lý hành chính 238 người. Công an các địa phương khám phá, xử lý hình sự 2.546 vụ, khởi tố 2.966 bị can, xử lý hành chính 11.346 đối tượng với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Một số đường dây mại dâm lớn được các đơn vị điều tra, triệt xóa như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Bình Dương, Bắc Ninh, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Tuy vậy, báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch 196 của Bộ Công an cũng cho thấy, tệ nạn mại dâm ở nước ta vẫn tiềm ẩn phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, hoạt động tại một số quán bar, vũ trường… phát sinh tình trạng trình diễn khỏa thân, khiêu dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính. Nhiều trường hợp có bảo kê của các băng, nhóm tội phạm; hoạt động môi giới mại dâm qua mạng xã hội đã hình thành các đường dây gái gọi; đối tượng bán dâm có cả người mẫu, diễn viên, sinh viên, học sinh; đối tượng mua dâm có điều kiện kinh tế, địa vị trong xã hội với số tiền mua dâm hàng ngàn đến hàng chục ngàn đô la... Đặc biệt, hoạt động mại dâm có yếu tố nước ngoài tồn tại dưới nhiều hình thức, người nước ngoài tham gia làm chủ chứa, quản lý, điều hành, môi giới đường dây mại dâm; thậm chí, nhiều đối tượng tổ chức đường dây đưa người Việt ra nước ngoài hoạt động mại dâm...

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, đại diện công an các địa phương cho rằng, do các biện pháp ngăn chặn phòng, chống mại dâm hiện nay chưa đủ mạnh; biện pháp xử lý hành chính chưa đủ sức mạnh răn đe đối tượng; văn bản pháp luật chưa có tính nhất quán, vẫn xem mại dâm là tệ nạn cần được bài trừ nhưng biện pháp xử lý lại thiếu kiên quyết... Đặc biệt, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, có hiệu lực gần 20 năm - đã không còn đáp ứng được thực tiễn công tác phòng, chống mại dâm, nhất là với những hành vi mới như mại dâm nam, mại dâm đồng tính và mại dâm có yếu tố nước ngoài...

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lương Tam Quang đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương rà soát, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan phù hợp với tình hình thực tế trong công tác đấu tranh phòng chống mại dâm. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án liên quan hoạt động mại dâm, không bỏ lọt tội phạm, nhất là các đối tượng cầm đầu, điều hành, môi giới mại dâm; ngăn chặn và xử lý những trang mạng xã hội có liên quan đến hoạt động mại dâm; kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp thiếu trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống mại dâm…

Để công tác phòng, chống mại dâm được triển khai thực sự có hiệu quả, hạn chế phát sinh các hình thức hoạt động mại dâm mới, các địa phương cũng như lực lượng công an các đơn vị cần siết chặt việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự các cơ sở kinh doanh có điều kiện; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, nhân rộng điển hình những địa bàn không có tệ nạn xã hội. Mặt khác, cần củng cố, xây dựng và hoàn thiện lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng chống mại dâm của công an các cấp để có thể nắm bắt, quản lý tốt các đối tượng. 

Hải Thanh