Lập pháp "khẩn cấp"

- Thứ Hai, 02/08/2021, 06:17 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV có nhiều nội dung rất quan trọng, nhưng có lẽ phòng, chống dịch Covid - 19 là chủ đề xuyên suốt, hiện diện trong hầu hết phiên thảo luận toàn thể và ở tổ. Nổi bật nhất là sự kiện Nghị quyết chung của Kỳ họp đã gấp rút bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp hơn để Chính phủ chủ động đối phó dịch.

Với nghị quyết của Quốc hội, các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp của Chính phủ đã được chính thức xác nhận, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng trên toàn quốc, trở nên chính danh hơn. Đồng thời, nghị quyết còn trao cho Chính phủ chủ động có các biện pháp đặc biệt vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý hiện hành khi cần thiết. Chính phủ, Thủ tướng được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, nếu phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Điều này tương tự thông lệ ở các nước, khi tình huống khẩn cấp đòi hỏi phải trao quyền cho Chính phủ hành động tập trung, quyết đoán, cấp bách.

Việc ủy quyền bằng nghị quyết nhằm đáp ứng nhanh yêu cầu của thực tiễn, vì vậy một số vấn đề pháp lý chưa thể giải quyết triệt để như ban hành luật. Thực tế, thời gian kỳ họp quá ngắn, không đủ để có giải pháp toàn diện hơn. Do đó, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục “khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung”. 6 trong số 12 đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - 2022 và khá nhiều đại biểu Quốc hội khác trong các phiên họp tổ cũng có phát biểu tương tự, đề nghị hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống dịch trong “tình trạng khẩn cấp”.

Tuy nhiên, nghị quyết Kỳ họp không nêu rõ thời hạn cụ thể, mà chỉ nêu “khẩn trương”, “kịp thời”. Bên cạnh đó, trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 không có các dự án luật về các nội dung này. Có thể hiểu “khẩn trương”, “kịp thời” trong bối cảnh hiện nay là bổ sung vào Chương trình, để tại kỳ họp cuối năm 2021 Quốc hội xem xét sửa đổi những luật cấp thiết nhất như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, nâng Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp thành Luật. Hoặc là như đại biểu Quốc hội đề xuất, cần rà soát để ban hành một luật sửa đổi nhiều luật. Có thể dựa trên quy trình rút gọn sẵn có để học hỏi cách làm ở nhiều nước, theo đó trong bối cảnh chống dịch Covid-19 họ đã bỏ qua một số công đoạn trong hoạt động lập pháp như đánh giá tác động, rút gọn thủ tục các công đoạn soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thảo luận…

Trong một năm rưỡi qua, trước khi xuất hiện làn sóng thứ 4 của đại dịch, Việt Nam đã chống dịch thành công, số ca nhiễm và ca tử vong thấp hơn nhiều so với các nước. Chúng ta đã bỏ lỡ khoảng thời gian tương đối “yên tĩnh” đó để hoàn thiện các luật, nghị định, thông tư liên quan đến phòng, chống dịch. Trong tình trạng khẩn cấp, lập pháp cũng phải “khẩn cấp”. Tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, chỉ trong vòng chưa đến một tuần, nội dung về chống dịch Covid-19 đã được cấp tốc bổ sung vào nghị quyết kỳ họp, từ việc Chính phủ trình, thẩm tra của các ủy ban, cho đến chỉnh lý, hoàn thiện, thông qua. Bài học này cho thấy, có thể hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống dịch trong tình trạng khẩn cấp để trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2021, đồng thời vẫn bảo đảm quy trình, chất lượng, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để sẵn sàng đón nhận và ứng phó với các loại dịch bệnh.

Nguyễn Đức Lam