Gỡ tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu ở Lạng Sơn

Lập thêm bãi đỗ, giảm áp lực lưu lượng xe lên cửa khẩu

- Thứ Tư, 22/12/2021, 06:32 - Chia sẻ
Trước tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị, trước mắt, tỉnh Lạng Sơn cần dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để kết nối thông tin hai chiều với doanh nghiệp tại các địa phương.

Giảm hơn 130 xe hàng tồn

Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, tính đến sáng ngày 21.12, có 4.461 xe hàng tồn tại các cửa khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, cửa khẩu phụ Tân Thanh có xe hàng tồn lớn nhất với 2.456 xe. Các mặt hàng chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long, xoài (Bình Định), chuối xanh (Tiền Giang), mít (Đắk Lắk). Tiếp đến là tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị tồn 1.389 xe, gồm 183 xe hàng chờ xuất khẩu, còn lại là tồn tại bãi xe trung chuyển với các mặt hàng chủ yếu gồm mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử… Còn lại 616 xe hàng tồn tại cửa khẩu chính Chi Ma, chủ yếu là tinh bột sắn (70%).

Hàng nghìn xe container nông sản ùn ứ tại cửa khẩu ở Lạng Sơn. Nguồn: Báo Người lao động
Hàng nghìn xe container nông sản ùn ứ tại cửa khẩu ở Lạng Sơn.
Nguồn: Báo Người lao động

Mặc dù số lượng xe hàng tồn vẫn còn khá lớn, song so với ngày 20.12 đã giảm 137 xe. Nguyên nhân chính là “do thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí”, Sở Công thương Lạng Sơn cho biết. Sở cũng khuyến cáo các doanh nghiệp và đơn vị liên quan “cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý khi đưa hàng hóa xuất khẩu đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn”.

Trên thực tế, ngay sau khi có thông tin về việc ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cử đoàn công tác, phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu khẩn trương nắm bắt tình hình, làm rõ các nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng ùn ứ này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiện Trung Quốc đang tiếp tục duy trì thực hiện chính sách "Zero Covid-19" nên đã siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người, phương tiện và cả bao bì hàng hóa từ những khu vực có chính sách "sống chung với Covid-19".

Phía Trung Quốc cũng đã thông báo trên bao bì của một số lô hàng nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam có nhiễm virus SARS-CoV-2 ở các mức độ khác nhau, có lái xe chuyên trách của Việt Nam đưa hàng qua Trung Quốc mắc Covid-19. Vì thế, phía bạn đã thắt chặt hơn việc kiểm tra, xét nghiệm trên phương tiện vận tải, người vận chuyển và bao bì chứa đựng hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi vào cuối năm, nhu cầu hàng hóa giao thương giữa hai nước tăng mạnh nên đã dẫn đến ùn ứ.

Doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm 5K

Để giải quyết tình trạng ùn ứ xe hàng, đặc biệt là nông sản tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đề xuất, cần thống nhất biện pháp phòng chống dịch Covid-19 giữa Việt Nam và Trung Quốc để giữ an toàn cho hai bên. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm ký kết nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu; mở rộng danh mục nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Về phía Chính phủ, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tỉnh biên giới như Lạng Sơn có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics để khi ùn ứ có điều kiện bảo quản sản phẩm nhằm giữ hàng hóa không hư hỏng. Về phía các bộ, ngành, địa phương, cần có khuyến cáo, chỉ đạo doanh nghiệp, bà con nông dân thực hiện việc kinh doanh nông sản hàng hóa phải sản xuất theo quy trình, quy định đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, tức là phải tổ chức xuất khẩu chính ngạch, tránh rủi ro khi không có hợp đồng thương mại.

Cũng theo ông Hồ Tiến Thiệu, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Đồng thời, nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu, đặc biệt là với các mặt hàng nông sản.

Từ thực tế triển khai, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K dẫn đến lái xe nhiễm Covid-19. “Do đó, tôi rất mong các doanh nghiệp thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung”. Ông Nam cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn ứng dụng các công nghệ số, chuyển đổi số để kết nối thông tin hai chiều giữa tỉnh với doanh nghiệp sản xuất tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cần dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới.

Tại cuộc họp báo thông tin về các hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc tổ chức chiều 21.12, đại diện Tổng cục Hải quan đề xuất: Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công thương đàm phán với phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu, gỡ tình trạng ùn tắc.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra, kiểm dịch; thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Bộ Ngoại giao đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc bảo đảm việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước đã ký kết.

Đối với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc cần tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông, mua bán hàng hóa, trao đổi thương mại biên giới. Về lâu dài, các tỉnh này cần quy hoạch các khu vực xây dựng các kho chuyên dụng bảo quản hàng nông sản, hoa quả tại các cửa khẩu.

 

Minh Châu