Hải Phòng

Lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Cư trú (sửa đổi)

- Thứ Sáu, 11/09/2020, 03:31 - Chia sẻ
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, ngày 10.9, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Cư trú (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Bùi Thanh Tùng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung bố cục của 2 Dự thảo luật. Đối với Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các đại biểu cho ý kiến xung quanh các vấn đề tích hợp giấy phép môi trường và đánh giá sơ bộ tác động môi trường, thẩm quyền đánh giá tác động môi trường.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng chủ trì hội nghị

Nhiều ý kiến cho rằng, tích hợp cấp giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường là không cần thiết, bởi chưa chắc doanh nghiệp nào cũng được làm giấy phép xả thải và công trình thủy lợi nào cũng được xả thải. Về báo cáo sơ bộ tác động môi trường, nhiều ý kiến tán thành phương án 1 của Chính phủ trình. Đại diện sở, ngành địa phương cho rằng việc giao thẩm quyền thẩm định cho các địa phương là cần thiết bởi sẽ giúp các địa phương có trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra chất lượng và hoạt động của các dự án cũng như bảo đảm môi trường bền vững.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay, đa số đại biểu đều nhấn mạnh khi đánh giá sức khỏe môi trường cần đánh giá sức chịu tải môi trường không khí và môi trường đất để từ đó có những giải pháp thúc đẩy môi trường bền vững.

Đối với dự án Luật cư trú (sửa đổi), các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Cư trú nhằm bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ. Có ý kiến cho rằng, cần rà soát, giải thích rõ một số khái niệm, định nghĩa về “cư trú”, “nơi cư trú”, “chủ hộ”… còn gây khó hiểu đối với các đối tượng chịu sự tác động của Luật.   

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần xem xét các trường hợp xóa đăng ký thường trú bởi có thể sẽ ảnh hưởng đến công dân khi họ thực hiện quyền hoặc các thủ tục hành chính liên quan, đặc biệt cân nhắc kỹ việc có nên xóa đăng ký thường trú đối với người vắng mặt tại nơi thường trú quá 12 tháng liên tục, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác, đã khai báo tạm vắng hoặc xuất cảnh ra nước ngoài nhưng có phải để định cư hay không.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Bùi Thanh Tùng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị. Phó Trưởng đoàn Bùi Thanh Tùng khẳng định các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH thành phố tổng hợp, phản ánh tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV tới.

Bùi Linh