Lên chùa đầu năm

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 16:13 - Chia sẻ
Phật giáo du nhập vào nước ta, văn hóa nhà Phật đã hòa nhập đáng kể với văn hóa Việt. Trong thời đại mà Tết dường như nhạt đi thì văn hóa lễ lược nhà chùa có đóng góp không nhỏ trong việc níu giữ lại hồn dân tộc. Đầu năm lên chùa đã trở thành một nét đẹp nhân văn, nhân hậu và nhân quần rộng rãi.
 
Minh họa của Kim Duẩn

Ở quê tôi, đến gần Tết là bà con Phật tử lại đến chùa dọn dẹp khuôn viên và trang trí trong niệm Phật đường. Mỗi người một tay tự nguyện, chẳng cần ai nhờ vả hay đôn thúc, nói như câu cửa miệng của người quê: đến chùa thấy cơm thì ăn, thấy việc thì làm. Có thể nói chùa làng như một ngôi nhà chung, ngôi nhà tín ngưỡng thân thuộc, và vì thế ai cũng muốn góp một nhành huệ trắng dâng Phật, hay một nén nhang thơm ngát chánh điện.

Đêm ba mươi, dù nhà nào cũng bận rộn lo những việc cuối cùng để đón Tết nhưng chùa làng không hề vắng vẻ, bà con vẫn đến lễ Phật. Xong rồi tranh thủ về nhà soạn mâm cúng giao thừa, riêng cụ Tâm Bát, chánh đại diện niệm Phật đường thì ở lại đón năm mới tại chùa.

Sáng mùng một, cụ Tâm Bát khai đại hồng chung từ khi trời mới hửng đông. Cả làng nghe tiếng chuông và thức dậy đón Nguyên Đán. Người dân quê tôi thì tiếng chuông chùa đã thành một hồi chuông báo thức. Và trong ngày Tết, tiếng chuông ấy còn để thức tỉnh mê muội rồi gửi gắm lời chúc phúc an lạc.

Nhà tôi có truyền thống theo đạo Phật nên đến chùa ngày mùng một Tết dường như đã trở thành cái nếp nhà. Sau khi ông nội thắp tuần nhang khấn tiên tổ, cháu con đã chỉnh tề áo quần mới rồi cùng nhau lên chùa thật sớm.

Tôi đến chùa, đã thấy rất nhiều bà con đứng ở sân. Nhiều người không phải đạo hữu Phật tử nhưng cũng đến chùa. Chẳng nhất thiết phải mặc trang phục màu lam. Phần nhiều mọi người đều mặc trang phục chỉnh tề lên chùa. Cụ Tâm Bát mặc chiếc áo tràng đứng giữa sân, ai đến cụ cũng chào mừng bằng cách riêng. Người già thì cụ chắp tay vái chào nghiêm cẩn, trung niên thì cụ bắt tay trân quý, trẻ con thì cụ xoa bàn tay lên vai mừng tuổi. Ngay giữa sân chùa, cụ Tâm Bát kể lại cho chúng tôi nghe những mùa xuân xưa, những thế hệ đã gây dựng lên mái chùa làng. Rồi những lời dặn dò dạy bảo rằng phải sống cho trọn vẹn, tốt đời đẹp đạo.

 Tôi cảm nhận được sự ấm áp trong những cử chỉ rất nhỏ của người đến chùa đầu năm. Ai cũng niềm nở với nụ cười thanh thoát. Lần lượt từng người vào thắp nhang lạy Phật rồi bỏ vào thùng Phước Sương một ít tiền. Đấy là hòm công đức dành để cúng Phật, sau này khuôn hội dùng tiền ấy để bày biện lễ lược hoặc làm công quả.

Sau khi thắp nhang mừng tuổi Phật, tất cả vào trong niệm Phật đường nghiêm cẩn chắp tay làm lễ. Đầu năm thường là tụng kinh cầu an để mong một năm được an lành, hanh thông. Tiếng đại hồng chung vang lên thanh thoát như khai thị cho tâm hồn được thanh tịnh, hồi trống giục như đánh thức những mầm đôn hậu trong lòng người.

Càng lớn, tôi càng biết trân quý khoảng thời gian ngắn ngủi trong đôi ba ngày Tết. Và tôi dành buổi sớm tinh khôi nhất của một năm để lên chùa cầu xin cho lòng mình được an nhiên, tràn đầy đức tin về cuộc sống. Mà hình như đức tin là cái đầu tiên con người ta cần có để được sống hạnh phúc.