LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ VIỆT NAM LẦN THỨ NHẤT: Xây dựng thương hiệu Liên hoan phim mới

- Thứ Sáu, 15/10/2010, 00:00 - Chia sẻ
Lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam tổ chức một LHP Quốc tế đúng nghĩa, thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi trong và ngoài nước. Mục tiêu lâu dài của các nhà tổ chức là xây dựng một thương hiệu LHP mới, thu hút sự quan tâm của những người làm điện ảnh thế giới đối với điện ảnh Việt Nam...

Tôn vinh điện ảnh châu Á

Khai mạc ngày 17.10 và diễn ra trong 5 ngày, LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất (VNIFF) không chỉ quảng bá, giới thiệu các tác phẩm của điện ảnh Việt Nam, mà còn là dịp để công chúng Việt Nam có cơ hội tiếp cận những tác phẩm mới nhất của điện ảnh thế giới và khu vực, cũng như được giao lưu, gặp gỡ các nhà làm phim, diễn viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Với sự trỗi dậy của điện ảnh Đông Á và Đông Nam Á gần đây tại các giải thưởng điện ảnh quốc tế uy tín với những sáng tạo bất ngờ và đậm chất đặc trưng khu vực, VNIFF 2010 sẽ tập trung tôn vinh điện ảnh châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á; đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển điện ảnh giữa nhiều nền điện ảnh, tạo cơ hội thuận lợi để các nhà làm phim Việt Nam và nước ngoài hợp tác sản xuất. Ước tính, sẽ có khoảng 500 đại biểu, trong đó có 140 khách nước ngoài, tham dự LHP.

LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất gồm các hạng mục: phim truyện, phim ngắn, phim tài liệu, phim hoạt hình, ngoài ra còn có giải thưởng do Tổ chức Thúc đẩy điện ảnh châu Á (NETPAC) trao. Phim tham gia LHP là những phim mới sản xuất trong năm 2009-2010, chưa từng tham gia LHP nào, chưa công chiếu tại nước ngoài hay trên các phương tiện truyền thông. 10 bộ phim trong hạng mục Tranh Giải đến từ 8 quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, mang nhiều phong cách, nhiều phim lần đầu tiên công chiếu quốc tế và trong khu vực - sẽ vẽ nên một chân dung xã hội phương Đông đặc sắc và hiện đại, góp phần lôi kéo sự chú ý của những nhà làm phim trên thế giới đến với khu vực điện ảnh đầy tiềm năng này. Đó là: Lâu đài cát (đạo diễn Boo Junfeng, Singapore), Người nước ngoài (Fabien Gaillard, Trung Quốc), Đôi giày đỏ (Raul Jorolan, Philippines), Kẻ mơ mộng (Riri Riza, Indonesia), Kem Kacang và tình yêu trẻ con (Nobuhiro Doi, Malaysia), Hanamizuki (Nobuhiro Doi, Nhật Bản), Bé Lớn (Monthon Arayangkoon, Thái Lan), CLB Chia tay (Barbara Wong, Hong Kong), và 2 bộ phim Việt Nam: Long Thành cầm giả ca (Đào Bá Sơn) và Trung úy (Hà Sơn).

Không có ngoại lệ

Long thành cầm giả ca lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du, bộc lộ nỗi xót thương với thân phận nữ cầm ca thời phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XVIII cũng như xoay quanh cuộc đời và mối lương duyên của hai nhân vật chính Tố Như và Cầm. Phim ra mắt khán giả dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa qua.

Đóng máy từ năm 2008, bộ phim Trung úy được phân loại cấm trẻ em dưới 16 tuổi, là câu chuyện tình trong bối cảnh chiến tranh. Trung úy đặc công Hà (Thiện Tùng thủ vai) vì nhiệm vụ đột kích vào sân bay đối phương nên phải đi qua con đường trộm hàng của Sipha (Quách An An đóng), dần dần giữa họ nảy sinh tình cảm...

Vì đây là một LHP Quốc tế nên sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào đối với các phim của nước chủ nhà Việt Nam, ngoài việc được có 2 phim dự tranh giải. Các buổi chiếu phim sẽ tổ chức bán vé chứ không phát vé mời, đúng như thông lệ của các LHP quốc tế. BTC đã mời một chuyên gia về bán vé LHP của Mỹ tư vấn việc này. Các phim sẽ được chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Platium Mỹ Đình và Megastar.

Đưa điện ảnh đến gần công chúng

Mô hình tổ chức LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đã được tham khảo kỹ lưỡng ở các LHP quốc tế như Toronto (Canada), Cannes (Pháp), Busan (Hàn Quốc)..., nhưng BTC khẳng định, sẽ có dấu ấn riêng. LHP sẽ diễn ra đúng với tính chất “liên hoan nhiều, thi ít” và đưa điện ảnh đến gần hơn với công chúng yêu thích môn nghệ thuật thứ 7 bằng các hoạt động triển lãm, chiếu phim ngoài trời, giao lưu với nghệ sỹ... Theo đó, sẽ có 3 chương trình chiếu phim: Điện ảnh thế giới ngày nay (20 phim được chọn từ 26 nền điện ảnh, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hungary, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Iran, Mỹ, Thụy Sỹ, Ireland, Tây Ban Nha, Italy, Ba Lan, Bỉ...), Tiêu điểm điện ảnh Pháp (5 bộ phim Pháp mới được sản xuất và đã gặt hái thành công) và Điện ảnh Việt Nam ngày nay (10 phim Việt Nam được sản xuất từ năm 2005 -2010, đã giành giải thưởng cao tại các LHP trong nước và quốc tế). Không chỉ chiếu trong rạp, các phim còn được chiếu ngoài trời, trước Nhà hát Lớn Hà Nội và tại vườn hoa Lý Thái Tổ, tạo không khí ngày hội điện ảnh trên đường phố Thủ đô.

Trong khuôn khổ của VNIFF 2010 còn có các tọa đàm, hội thảo dành cho những người làm nghề, giúp họ trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội, nảy sinh ý tưởng mới, như hội thảo về công nghệ làm phim 3D, với sự tham gia của nhà quay phim nổi tiếng của Mỹ Barry Braverman - chuyên gia về Digital Media có hơn 30 năm kinh nghiệm làm phim tài liệu và phim truyện. Ngoài ra còn có diễn đàn Giải pháp tăng cường sản xuất phim Việt Nam, tọa đàm Việt Nam - môi trường hấp dẫn sản xuất phim và Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Vượt qua các rào cản ngôn ngữ và văn hóa, các LHP góp phần giúp thúc đẩy trao đổi văn hóa và thu hút mọi tầng lớp công dân trong xã hội tham gia. Hy vọng LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất sẽ tạo lập được uy tín, thu hút sự quan tâm của những người làm điện ảnh đối với điện ảnh Việt Nam, trở thành một trong những điểm hẹn hấp dẫn của nghệ thuật thứ bảy.

Sự kỳ diệu của điện ảnh

Việc BTC mời được những tên tuổi của điện ảnh quốc tế vào Ban Giám khảo và Ban Cố vấn có thể coi là thành công ban đầu của LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất. Trong số này, có những nghệ sỹ mà tên tuổi đã gắn bó với Việt Nam. Họ đều vui mừng khi được trở lại đây.

Nhà quay phim Franois Catonné

Tháng 11.1989, tôi cùng với ông Régis Wargnier, đạo diễn phim Đông dương, đã đi khảo sát trong vòng một tháng suốt từ Nam ra Bắc tại Việt Nam. Một năm sau đó, chúng tôi quay bộ phim Đông dương trong 2 tháng, tại Huế, Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Hoa Lư... Đất nước Việt Nam trong tâm trí của tôi chính là bối cảnh trong bộ phim Đông dương và tôi đã từng không muốn gặp lại đất nước đó với những hình ảnh khác. Được mời tham gia Ban giám khảo LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đã khiến tôi thay đổi ý định và tôi rất xúc động được trở lại thăm đất nước tươi đẹp của các bạn, nơi đã trở thành quê hương của tôi từ 20 năm nay.

Đạo diễn Phillip Noyce

Gần một thập kỷ sau Người Mỹ trầm lặng, thật vinh dự khi được trở lại Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Ban giám khảo LHP Quốc tế Việt Nam lần thứ nhất. LHP là nơi để mọi người gặp gỡ nhau cũng như trình chiếu những bộ phim mới nhất, nhưng với cá nhân tôi, món quà lớn nhất là tôi có cơ hội được gặp lại những người đã đóng góp rất nhiệt tình cho bộ phim của tôi khi sản xuất tại Việt Nam, trong đó có đồng thành viên Ban giám khảo Đặng Nhật Minh, người mà tôi rất ngưỡng mộ kể từ lần đầu tiên được xem bộ phim Trở về của ông tại LHP Sydney 1994.

Những ngày ở Hà Nội sắp tới sẽ cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ những đạo diễn mới, chia sẻ những câu chuyện, trao đổi ý tưởng và khẳng định lại niềm đam mê của mình cho loại hình nghệ thuật phức tạp nhất này. Điện ảnh có sức mạnh bắc cầu giúp vượt qua các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, kết nối người xem thông qua sự mê hoặc của ánh sáng màn bạc. Có thể sự kỳ diệu của điện ảnh và VNIFF sẽ còn tiếp tục trong hàng ngàn năm tới và hơn thế!

VNIFF

Nhật Linh